Những bài học quản trị từ Jack Ma và ông chủ FPT

Sáng ngày 6/11, tại khách sạn JWMarriott (Hà Nội), tỷ phú Jack Ma – nhà sáng lập của tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng thế giới Alibaba – đã có mặt tại hội thảo Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam do báo điện tử VnExpress và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức với chủ đề “Mobile Payment – nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt”.

Đây là sự kiện thu hút rất đông người tham dự với gần 700 đại diện cộng đồng doanh nhân, chủ yếu là giới ngân hàng, tài chính và các công ty công nghệ, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến và cộng đồng startup. Tại đây Jack Ma – Ông chủ của tập đoàn có giá trị vốn hóa 570 tỷ USD và ông Trương Gia Bình – Chủ tịch tập đoàn FPT đã có buổi trò chuyện, chia sẻ các kinh nghiệm quản trị của riêng mình.

Công ty hoạt động vì sứ mệnh và tầm nhìn

Với vai trò đứng đầu của mình, Jack Ma luôn đảm bảo Alibaba là một công ty hoạt động vì sứ mệnh và tầm nhìn. “Tôi mong muốn Alibaba tồn tại và phát triển xuyên thế kỷ, tới 102 năm. Tôi rất ghét nếu sau IPO, hằng ngày chúng tôi cứ phải lo quý sau sẽ ra sao, rồi quý sau nữa sẽ thế nào. Điều đó không hay ho gì. Vì thế vào ngày chúng tôi IPO, tôi phải nhấn mạnh lại rằng trong vòng 84 năm tới, Alibaba vẫn phải là một công ty hoạt động vì sứ mệnh và tầm nhìn”.

Có cùng quan điểm trong kinh doanh, chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ “Tôi vẫn nhớ khi FPT bước vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. Rất nhiều người đã nghi ngờ. Nhưng chúng tôi đều có một niềm tin chắc chắn rằng thế giới rộng lớn ngoài kia mới là thị trường của phần mềm, rằng người Ấn Độ, Trung Quốc làm được thì người Việt Nam cũng làm được. Những ngày đầu chúng tôi liên tiếp thất bại, từ việc mở văn phòng tại Ấn Độ, rồi tại Mỹ cho đến việc đi kiếm khách hàng. Nhưng có lẽ sứ mệnh “đưa Việt Nam có tên trong bản đồ số của thế giới” đã lôi cuốn chúng tôi sống chết với niềm tin của mình.

Tuy vậy, ông cũng nói thêm “Để sứ mệnh và tầm nhìn luôn là “kim chỉ nam” cho hoạt động của công ty là điều thực sự rất khó, vì điều quan trọng nhất là sứ mệnh và tầm nhìn của công ty phải đủ sức “hấp dẫn” để lôi cuốn mọi người đặt trọn niềm tin và sống hết mình với niềm tin ấy”.

Và cho đến lúc này, việc Việt Nam có thứ hạng trong các báo cáo toàn cầu, hàng trăm tập đoàn lớn trên thế giới chọn Việt Nam là điểm đến khi cần các dịch vụ CNTT khẳng định những thành công bước đầu của xuất khẩu phần mềm Việt Nam”, ông Bình chia sẻ.

Về vấn đề quản trị

Không chỉ đảm bảo công ty hoạt động vì sứ mệnh và tầm nhìn, mà quan điểm về quản trị điều hành doanh nghiệp của Jack Ma cũng khá khác biệt, ông quan tâm tới vấn đề dài hạn và dồn nguồn lực giải quyết vấn đề dài hạn, chứ không bị gò bó bởi các KPI trong ngắn hạn.

Ông Trương Gia Bình tâm đắc với câu nói “Công ty nhỏ thường có nhiều ước mơ, trong khi các công ty lớn tới một quy mô nào đó thường chỉ quan tâm tới KPI” của Jack Ma. “Chúng tôi vẫn luôn phải tự hỏi mình chúng ta đang làm vì cái gì? Và cũng đặt câu hỏi đó cho mỗi lãnh đạo đơn vị thành viên của FPT để chúng tôi không đi xa khỏi sứ mệnh và luôn nuôi dưỡng được những ước mơ lớn”.

Quản lý bởi văn hoá, chứ không phải bởi quy định, luật pháp

Trên cương vị Chủ tịch Alibaba, Jack Ma cam kết sẽ cố gắng để chắc chắn rằng Alibaba có môi trường văn hoá lành mạnh và những con người tuyệt vời. “Nếu bạn muốn những người thông minh làm việc với bạn, cần hiểu rằng họ chỉ có thể được quản lý bởi văn hoá, chứ không phải bởi quy định, luật pháp. Ở Alibaba, chúng tôi dành nhiều thời gian để xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Nền tảng của văn hoá chính là chữ tín”.

Điều này không hẳn là tự nhiên hình thành. Jack Ma đã dành nhiều năm tìm hiểu văn hóa phương Tây, khái niệm quản lý và các mô hình kinh doanh thành công. Ông áp dụng và học tập những kiến thức này với văn hóa Trung Quốc và cá tính của mình để tạo ra môi trường làm việc độc đáo cho Alibaba.

Jack Ma là người cởi mở, hài hước và sẵn sàng làm “trò” cho nhân viên. Ông có thể hát Karaoke với nhân viên, ông hóa trang thành ngôi sao nhạc rock, mặc áo da, đeo kính râm, tóc giả màu trắng để hát ca khúc trong phim Vua Sư tử nhân dịp thành lập công ty.

Ông có thể kể chuyện cười bằng tiếng Anh và tiếng Trung cho nhân viên. Nhờ thế ông lan tỏa bầu không khí làm việc nhiệt tình và vui vẻ. Ông làm cho nhân viên “hạnh phúc” và kết quả là ông có đội ngũ cấp dưới chăm chỉ và siêu trung thành.

Theo ông Bình, văn hóa doanh nghiệp bị ảnh hưởng khá mạnh bởi “gu” của người lãnh đạo và chính cái “gu” này sẽ là lực hút đối với nhân viên và tạo ra sự gắn kết giữa lãnh đạo và nhân viên khi “hợp gu“.

Trở lại với câu chuyện về FPT – Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay, không còn lạ lẫm khi nhắc đến cụm từ “Văn hóa FPT”, “Chất FPT”… FPT với chất rất riêng không thể lẫn được với bất kì công ty nào khác, và đó cũng là điều mà người FPT luôn tự hào vỗ ngực. Về điều này, ông Bình chia sẻ “FPT may mắn là được thành lập bởi 13 người bạn học. Phần lớn chúng tôi cùng học ở Nga, cùng trải qua những khó khăn của thời kỳ chiến tranh và trước đổi mới. Chúng tôi mong muốn tạo ra một tổ chức kiểu mới để ở đó mỗi thành viên không chỉ có điều kiện tốt nhất để phát triển mà còn có một cuộc sống đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần. Và chúng tôi đã tạo ra được “gu” riêng về văn hóa cho FPT – một mã GEN riêng gắn kết giữa lãnh đạo và nhân viên. Văn hóa cởi mở đó khuyến khích được sự sáng tạo, cống hiến và gắn bó của nhân viên với công ty”.

Nếu ai đã từng tham gia một cuộc hội diễn, hay sinh hoạt tập thể nào của FPT, sẽ thấy một Trương Gia Bình luôn là đối tượng để chọc ghẹo trong các vở diễn, các clip của nhân viên, một Trương Gia Bình hát Diễm xưa như… đúng rồi, tếu táo đúng kiểu FPT.

Lựa chọn và xây dựng đội ngũ trên cơ sở niềm tin

Jack Ma cho biết “nếu phải lựa chọn giữa một người hứa đưa cho tôi 1 triệu USD và một người trao cho tôi sự tín nhiệm, thì tôi sẽ chọn người nào tin cậy tôi. Với sự tín nhiệm, tin cậy, chúng tôi có thể gắn kết đội ngũ. Một khi họ đã tín nhiệm thì tôi phải có nghĩa vụ trung thành với họ, trung thành với mục tiêu, tầm nhìn chúng tôi đã cùng thống nhất”.

Tương lai nào cho người trẻ và doanh nghiệp nhỏ

Tỷ phú Jack Ma cho rằng thế kỷ vừa rồi nền kinh tế đã được công nghiệp hóa, cách mạng hóa. Nhưng mới chỉ có 20% doanh nghiệp lớn của các nước lớn là thành công, còn lại 80% doanh nghiệp nhỏ, các nước nhỏ không thành công. Vậy ở thế kỷ này chúng ta có nên tiếp tục với tỷ lệ 20/8 đó không? “Tôi cho rằng là không, hãy đảo ngược tỷ lệ đó. Chúng ta phải dành cơ hội cho 80% những doanh nghiệp nhỏ, những nước nhỏ, những thanh niên trẻ. Muốn vậy phải đảm bảo tất cả những người trẻ đều được trao cơ hội” – ông chủ Tập đoàn Alibaba khẳng định.

Nói về cơ hội phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Jack Ma cho biết ông thấy rất nhiều người trẻ Việt Nam có rất nhiều tiền và tất nhiên, họ không thể bỏ được nhiều tiền thế trong cái ví để tiêu. “Việt Nam có 54% dân số dùng điện thoại thông minh. Thể nhưng vẫn sử dụng cả điện thoại di động, cả tiền mặt thì không ổn. Tôi hoàn toàn đồng ý, tâm đắc với ngài Thủ tướng, muốn giải quyết vấn đề này thì phải bao trùm về tài chính, không có lựa chọn nào khác, xã hội phi tiền mặt đang tới gần rồi,”– theo ông dù có thích hay không vẫn phải làm.

Theo Tech.fpt

Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

Học Viện Mạng và Phần Cứng – jetking.fpt.edu.vn

đánh giá