Adrian Lamo – Hacker mũ xám lừng danh với cuộc đời đầy cảm hứng

Trong số các Hacker lừng danh, Adrian Lamo được đánh giá là Hacker “có đạo đức nhất” vì anh hack với mục đích cao cả: chỉ ra cho những chuyên gia bảo mật thấy các lỗ hổng trên hệ thống. Adrian đã từng tấn công vào máy tính nội bộ của Yahoo!, Bank of America, Cingular, Citigroup và The New York Times…

Adrian Lamo sinh ngày 20/2/1981 tại Boston, Massachusetts (Mỹ).

Hacker “quân tử” nhất

Từ nhỏ, Adrian Lamo đã chứng tỏ mình là một cậu bé thông minh. 8 tuổi, cậu đã rành mọi ngóc ngách của chiếc máy tính bố mẹ mua tặng.

Trong số các hacker lừng danh, Adrian Lamo được đánh giá là “Hacker có đạo đức nhất” vì anh hack với mục đích cao cả: chỉ ra cho những chuyên gia bảo mật thấy các lỗ hổng trên hệ thống. Lamo đã từng xâm nhập vào máy tính nội bộ của các hãng danh tiếng như Yahoo, Bank of America, Cingular, Citigroup và tờ The New York Times…

Công cụ chính của Lamo là trình duyệt Internet Explorer. Sau khi truy cập vào website của các công ty/tổ chức, Lamo kiên nhẫn tìm ra các lỗ hổng từ các đường link liên kết ở trang ngoài với website của tổ chức đó. Mỗi lần đột nhập vào các hệ thống, Lamo đều báo lại cho công ty đó về những lỗ hổng mà anh phát hiện được. Worldcom đã từng gửi thư cảm ơn Lamo khi Lamo không đánh cắp hàng triệu séc thanh toán nhạy cảm. Excite@Home cũng đã từng cảm ơn Lamo khi anh lọt vào web nội bộ của hãng này. Sau khi tìm ra cách truy nhập vào từng bản ghi chép về hàng triệu thuê bao trực tuyến, Lamo đường hoàng bước vào trụ sở của công ty Excite@Home tại Redwood City, California, trực tiếp thông báo cho quản trị mạng, ở lại giúp họ khắc phục lỗ hổng rồi mới đi… Ngoài ra, không giống như nhiều Hacker khác, Lamo không bao giờ dùng tên giả và cũng không hề giấu kín danh tính của mình.

Làm việc vì cái gọi là “lý tưởng”

Lamo thường mang theo chiếc laptop thân thiết ngao du trên những chuyến xe buýt đường dài đến New York, Washington DC, Philadelphia, Pittsburgh, Ohio, California… Ban ngày, anh dành phần lớn thời gian lang thang ngoài đường, khi đêm xuống lại vào trú ngụ trong những căn nhà hoang, vì vậy, Lamo được gắn cho nickname: “Hacker không nhà”.

Lamo thường dừng chân ở những cửa hàng cung cấp dịch vụ scan, in ấn, hệ thống vì các địa điểm này cho phép truy cập Internet không dây. Tại đó, anh thực hiện các chuyến thám hiểm vào mọi ngóc ngách của không gian ảo. Cuộc sống của Lamo dựa vào khoản tiền tiết kiệm khiêm tốn mà anh tích lũy được khi làm việc cho một số tổ chức phi lợi nhuận.

“Đến một nơi xa lạ, không tiền, không có người quen nhưng tìm ra cách vượt qua tất cả các khó khăn đem lại một niềm vui khó tả. Nó giống như khi đột nhập vào một mạng máy tính mà trước đó mình chẳng có thông tin nào về nó”, Lamo chia sẻ.

Giữa những năm 1990, Lamo là tình nguyện viên cho công ty truyền thông đồng tính nam và nữ PlanetOut Inc. Năm 1998, Lamo được San Francisco bổ nhiệm vào Lực lượng đặc nhiệm Thanh niên và Ban Kiểm soát của cộng đồng LGBT. Năm 1999, Lamo được phong chức mục sư trong Giáo hội toàn cầu.

Vào năm 2003, khi xâm nhập vào tờ The New York Times, Lamo bị truy lùng và kết tội với mức án tù treo 2 năm, đồng thời, bị phạt hành chính gần 65.000 USD.

Khi bị cáo buộc rằng đang cố tình công khai vi phạm pháp luật, câu trả lời của anh Lamo là: “Bất cứ điều gì tôi có thể nói về con người tôi hoặc hành động của tôi sẽ chỉ làm giảm giá trị của chúng”.  Sau đó, anh đã tuyên bố rằng: “Tất cả chúng ta đều sẽ sở hữu hành động của mình một cách trọn vẹn, không phải chỉ là những khía cạnh dễ chịu của chúng.” Lamo chấp nhận đối mặt với những hệ quả khó chịu từ những lựa chọn của mình.

Sau đó, anh trở thành một nhà báo có trình độ công nghệ cao và là nhà phân tích các mối đe dọa cho một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Sacramento.

Cái chết “chưa” có lời giải cuối cùng…

Vào năm 2009, Manning – một chuyên gia phân tích tình báo đã liên lạc và cung cấp cho Lamo các tài liệu mật “khủng khiếp” của chính quyền Mỹ. Ngay sau đó, những thông tin này bị rò rỉ ra ngoài. Hàng trăm nghìn hồ sơ của Bộ Ngoại giao, 400.000 tài liệu về cuộc chiến tranh Iraq kèm theo những chi tiết động trời đủ sức cáo buộc tội ác chiến tranh của binh lính Mỹ và những sự thật khiến chính quyền Mỹ muối mặt… đã bị phơi bày ra ánh sáng. Mỹ gọi đây là những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử quân đội của mình…

Năm 2010, chính Lamo là người quyết định ngăn chặn vụ rò rỉ thông tin diễn ra mạnh mẽ hơn, bằng cách tố cáo Manning. Lamo nói rằng anh đã đau khổ trước quyết định vạch trần này. Lamo cho biết: “Lạnh lùng, nhưng quyết định tố cáo phải được thực hiện ngay lúc đó. Hành động của Manning đã gây nguy hiểm đến tính mạng của những người vô tội khác và sẽ phải trả giá bằng mạng sống của chính mình mà không có bất kỳ cảnh báo trước. Đó là lý do tại sao Manning bị đưa ra tòa.”

Lamo nói: “Bạn không thể hiểu được một người hay động cơ của họ, trừ khi bạn ngồi ở chỗ họ ngồi và nhìn tình hình qua mắt họ, bất kể bạn tin vào chính mình đến mức nào. Hàng trăm tin tặc đã nói với tôi về bí mật các vụ hack của họ. Quy tắc thường trực của tôi luôn luôn là: Nếu tác hại đối với cá nhân trong tương lai, lớn hơn tác hại đối với công chúng từ những gì họ đã làm, tôi không nói gì cả. Và Manning là trường hợp duy nhất đi qua cuộc đời của tôi mà vấp phải quy tắc đó. Vì vậy, nhiều người nghĩ rằng họ biết chắc tại sao tôi làm những gì tôi đã làm, hoặc những gì tôi đang nghĩ hoặc tại sao tôi lại lựa chọn, và sẽ không có ngoại lệ. Họ đã sai.  Và tôi chắc chắn không buồn vì những suy nghĩ của họ về thứ gì đó không phải là tôi”.

Lamo cũng nói thêm: “Những bí mật (như tên của những người quốc tịch Afghanistan hợp tác với chính quyền Liên minh, những người sẽ bị Taliban giết chết bất ngờ, tội ác chiến tranh…) không phải là điều để thể hiện cách mọi người nói chuyện trong sự tự tin. Ăn cắp những bí mật mà mình thậm chí không đọc và phát hành chúng ra thế giới!”.

Sau vụ này, Lamo có thêm nhiều kẻ thù – những người ủng hộ Manning công khai thông tin mật của chính quyền Mỹ. Ngoài ra, Lamo cũng có nhiều người ghét anh vì anh có khả năng khai thác lỗ hổng của một Hacker chính hiệu. Do đó, Lamo thường xuyên nhận được những lời đe dọa bị ám sát.

Ngày 14-3-2018, Lamo qua đời tại Wichita, Kansas ở tuổi 37.

Thông báo về cái chết của Lamo, Mario Lamo – cha của Lamo đã viết: “Đau buồn và một trái tim tan nát, tôi phải thông báo cho tất cả bạn bè của Adrian về việc anh ấy đã chết. Một tâm trí sáng suốt và tâm hồn từ bi đã biến mất, anh ấy là con trai yêu quý của tôi”…

Gần ba tháng sau ngày Lamo qua đời, Trung tâm Khoa học Pháp y Khu vực Hạt Sedgwick báo cáo rằng “Mặc dù đã khám nghiệm tử thi hoàn toàn và xét nghiệm bổ sung, không xác định được nguyên nhân tử vong”.

Cái chết của Lamo – Hacker thiên tài đến bây giờ, vẫn là một bí ẩn…

Hoàng Nhung

Hệ Thống Đào Tạo An Ninh Mạng Quốc Tế FPT Jetking đào tạo chuyên sâu về phần cứng và mạng máy tính. Sinh viên FPT Jetking có khả năng làm việc thực tế ngay sau tốt nghiệp trong những lĩnh vực như quản trị mạng, điện toán đám mây, an ninh mạng, lắp ráp và sửa chữa PC máy tính…
Hiện tại, Trường FPT Jetking có 2 cơ sở:
– Hồ Chí Minh: Số 391A, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3. (028 7300 8866)
– Hà Nội: Số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Từ Liêm. (024 7300 8855)

đánh giá