Việt Nam sẽ đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư sản xuất chip điện tử

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ cùng phối hợp xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn.

sản xuất chip
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: Nhật Bắc

Chủ trương thúc đẩy sản xuất chip điện tử tại Việt Nam từng được Thủ tướng nhiều lần nhắc đến. Cuối 2022, tại lễ khánh thành Trung tâm R&D của Samsung, Thủ tướng đề nghị tập đoàn Hàn Quốc “khẩn trương chuẩn bị điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đặt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Thái Nguyên”.

Hồi tháng 4/2023, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời xây dựng chương trình về sản xuất chip.

Tháng 7/2023, khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn, năng lượng tái tạo.

Trước đó tháng 8/2022, Viettel đề xuất tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đề xuất được đưa trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Tháng 9/2022, FPT Semiconductor cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) lĩnh vực y tế

Các chuyên gia nhận định Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực này.

Trả lời VnExpress năm ngoái, ông Steve Long, Tổng giám đốc Intel khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản, nhận định: “Việt Nam có khả năng thiết lập cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực chip”.

Theo ông, môi trường chính trị xã hội ổn định, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do hóa cùng lực lượng lao động trẻ và tài năng là lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là tập đoàn công nghệ lớn. Tuy nhiên, nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm chip cũng là quá trình khó khăn, đòi hỏi chi phí khổng lồ.

Ngành công nghiệp điện tử, vi mạch những năm qua phát triển mạnh, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo Tổng Cục thống kê, trong 11 tháng của năm 2022, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đang là nơi đặt nhà máy, trung tâm nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn điện tử tên tuổi như Samsung, LG, Intel, Apple, Xiaomi…

Viết Tuân
(theo VnExpress)

đánh giá