Hơn 200 khách mời tham gia Tọa đàm Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai mới

Ngày 13/04 tại Hà Nội, Hệ thống đào tạo FPT Jetking phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thành công sự kiện “Tọa đàm Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai mới”.

Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới 1
Các diễn giả tham gia “Tọa đàm Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai mới”

Buổi Tọa đàm đón nhận lượng lớn người tham gia với hơn 200 khách mời là diễn giả, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và các bạn học sinh, sinh viên các trường ĐH/CĐ, người đi làm quan tâm đến ngành điện – điện tử, vi mạch bán dẫn trên địa bàn Hà Nội, cùng hơn 20 đơn vị cơ quan báo đài, thông tấn báo chí đưa tin về sự kiện.

Tham gia chia sẻ tại Tọa đàm có sự góp mặt của những diễn giả, đại diện doanh nghiệp hàng đầu trong ngành:

  • Ông Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT;
  • Ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC);
  • Ông Nguyễn Thanh Yên – Tổng giám đốc công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam;
  • Ông Lê Thành Nam – Giám đốc công ty VIETA Solutions Việt Nam (thuộc ETA Semiconductor);
  • Ông Lê Hải Anh – Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center.

powered by Advanced iFrame. Get the Pro version on CodeCanyon.

Tại sự kiện, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, khẳng định hiện nay, Việt Nam đang có cơ hội lớn trong ngành bán dẫn, đặc biệt sau chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 9/2023, đã nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Điều này tạo ra mối quan hệ đặc biệt và mở ra cơ hội hợp tác với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới 2
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC phát biểu mở đầu chương trình

“Tôi tin rằng với những cơ hội mới này, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới trẻ hiện nay. Họ sẽ giúp ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam trở thành mũi nhọn trong tương lai, đồng thời giúp đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, ông Võ Xuân Hoài nói.

Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho đại diện Hệ thống đào tạo FPT Jetking, đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn ở Việt Nam.

Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới 3
Lễ trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho đại diện Hệ thống đào tạo FPT Jetking

Đại diện phía Học viện Jetking Ấn Độ tham gia sự kiện Tọa đàm, ông Harsh Bharwani – CEO & Director of Jetking Infotrain Limited có bài phát biểu và nhận định rằng, Việt Nam là thị trường bán dẫn tiềm năng bởi nắm giữ lợi thế nằm ở nhóm dân số trẻ và mức độ hiểu biết cũng như tiếp nhận công nghệ của giới trẻ Việt Nam vô cùng cao.

Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới 4
Ông Harsh Bharwani – CEO & Director of Jetking Infotrain Limited phát biểu tại sự kiện

Có những chia sẻ truyền cảm hứng cho gần 200 bạn trẻ có mặt tại hội trường, diễn giả Hoàng Nam Tiến – Đại diện phía Tổ chức giáo dục FPT và FPT Jetking cho rằng không phải sáng tạo mà chính sự kiên nhẫn, kỷ luật với bản thân mới giúp bạn trẻ thành công.

“Lúc bắt đầu, bước đi đầu tiên vô cùng khó khăn. Nhưng nếu bạn không đi sao biết mình đến được. Lời khuyên của tôi với các bạn là muốn làm được việc lớn thì tắt điện thoại đi, bớt dùng mạng xã hội, bớt hóng các bình luận trên mạng xã hội, tập trung làm việc của mình. Hãy học về thiết kế chip, về bán dẫn, nuôi sống bản thân mình, gia đình mình”, Phó chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT nhấn mạnh.

Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới 5
Diễn giả Hoàng Nam Tiến – Đại diện phía Tổ chức giáo dục FPT và FPT Jetking

Ông cũng nhận định rằng: “Những chàng trai trẻ ở đây ngày hôm nay không cần chờ tới 25 năm như chúng tôi. Chỉ 5 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ là nơi cần đến, phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới”.

Ở góc độ chuyên gia trong ngành, với hơn 20 năm kinh nghiệm đồng thời là “người truyền lửa”, tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển cộng đồng vi mạch, ông Nguyễn Thanh Yên – Tổng giám đốc CoAsia SEMI Vietnam, đã mở ra bức tranh tổng quát nhất về Quy trình thiết kế, sản xuất, đóng gói vi mạch. Ông cho rằng, mỗi kỹ sư thiết kế chip, mỗi người trẻ ngồi đây chính là tài sản, là “mỏ neo” níu giữ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới 6
Ông Nguyễn Thanh Yên – Tổng giám đốc CoAsia SEMI Vietnam

Theo ông chia sẻ: “Với chi phí nhân công kỹ sư thiết kế chip bán dẫn thấp cùng các nền tảng tốt, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang và sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ Việt Nam. Tại Việt Nam, lương kỹ sư ngành này vào khoảng 10.000-100.000 USD/năm tùy vào kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường thường đã có mức lương khởi điểm khoảng 10.000 USD/năm, chưa kể thưởng”.

Trải lòng về những thách thức doanh nghiệp phải đối mặt khi tham gia vào lĩnh vực Thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, ông Lê Hải Anh – Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center nhận định rằng: “Điều quan trọng nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là gây dựng niềm tin, chứng minh năng lực, khả năng của mình từ những công việc đơn giản nhất đến những công việc khó khăn hơn, dần dần chúng ta sẽ được làm hết tất cả các công đoạn khác nhau, và nhận được sự tin tưởng từ những khách hàng khó tính nhất, các tập đoàn lớn trên thế giới”.

Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới 7
Ông Lê Hải Anh – Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center

Riêng về vấn đề tuyển dụng nhân lực, ông Lê Thành Nam – Giám đốc Công ty VIETA Solutions Vietnam chia sẻ: “Trước đây tuyển dụng nhân lực có kinh nghiệm rất khó và khá ít. Chúng tôi thường đánh giá ứng viên dựa trên khả năng phát triển về mặt tư duy. Các bạn mới vào công ty mình có lợi thế được trực tiếp tham gia vào thiết kế chip, thậm chí chỉ vài tháng có thể thực chiến làm chip luôn rồi nên các bạn phát triển rất nhanh”.

Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới 8
Ông Lê Thành Nam – Giám đốc Công ty VIETA Solutions Vietnam

Năm 2024 mang dấu mốc mới đặc biệt quan trọng, Hệ thống đào tạo FPT Jetking – có 13 năm kinh nghiệm đào tạo Công nghệ thông tin, chính thức ra mắt chương trình đào tạo Thiết kế Vi mạch bán dẫn liên kết quốc tế đầu tiên tại Việt Nam giữa Tổ chức giáo dục FPT và Jetking – Học Viện đào tạo CNTT hàng đầu Ấn Độ.

Vừa qua, FPT Jetking đã chào đón những sinh viên đầu tiên, khai giảng lớp học Thiết kế vi mạch bán dẫn quốc tế đầu tiên tại cơ sở TP. Hồ Chí Minh. Đây là những tín hiệu tích cực chứng tỏ sự quan tâm của các bạn trẻ dành cho lĩnh vực bán dẫn vô cùng lớn. Tiếp nối thành công đó, FPT Jetking cơ sở Hà Nội đã bắt đầu đón nhận những đăng ký ghi danh đầu tiên cho chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới 9

Với mong muốn khích lệ các bạn tự tin hơn nữa, sẵn sàng trở thành những “nhân sự” mới, hiện thực hóa giấc mơ ngành Công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, ngay tại Tọa đàm, FPT Jetking tổ chức buổi lễ trao tặng các bạn học bổng Người Tiên phong với trị giá 10 triệu đồng/suất.

Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới 10
Đại diện FPT Jetking trao học bổng Người Tiên phong cho các bạn Tân sinh viên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn quốc tế

Buổi Tọa đàm “Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai mới” kết thúc tốt đẹp mở ra nhiều góc nhìn mới đa chiều cho các bạn trẻ tham gia. Hy vọng rằng với những chia sẻ tích cực từ các vị diễn giả, chuyên gia, các bạn sẽ tự tin hơn nữa trên con đường chinh phục đam mê Thiết kế vi mạch bán dẫn trong tương lai!

5/5 - (2 votes)