Vì sao chiếc laptop chứa phần mềm độc được mua với giá 1,3 triệu USD?

Một chiếc laptop bị “tiêm nhiễm” sáu phần mềm độc hại, bao gồm ILOVEYOU, MyDoom, SoBig… vừa được bán với giá 1,3 triệu USD, như một tác phẩm nghệ thuật.

Tác phẩm mang tên The Persistence of Chaos (Sự kiên gan của hỗn loạn) là một tạo tác của nghệ sĩ Guo O Dong chuyên nghiên cứu an ninh mạng.

Ước tính, những phần mềm độc hại chứa trong chiếc laptop này đã gây thiệt hại tài chính lên đến con số hơn 95 tỷ USD. Tuy nhiên, BTC lên tiếng trấn an rằng hệ thống này không thể bị khai thác để gây ra những thiệt hại lớn hơn, bởi lẽ, tất cả cổng (port) của thiết bị này sẽ bị vô hiệu hóa khi phiên đấu giá kết thúc.

The Persistence of Chaos

Một chiếc laptop toàn những phần mềm độc hại cũ

Trong nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân tại sao ai đó lại bỏ ra một khoản tiền khổng lồ như vậy để mua một chiếc laptop chỉ có giá dưới 100 bảng Anh và một ổ cứng được thiết kế để khiến tài khoản ngân hàng của họ về con số 0 tròn trĩnh, nhiều người đã tìm kiếm câu trả lời ở cộng đồng an ninh mạng.

Các công ty an ninh mạng thường nghiên cứu phần mềm độc hại để khám phá cơ chế hoạt động của nó để tìm ra phương thức bảo vệ hiệu quả. Tuy nhiên, ba trong số sáu phần mềm độc hại của thiết bị này được phát hiện lần đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ và tất cả sáu phần mềm đã được nghiên cứu rộng rãi, nói cách khác, chiếc laptop này không hữu ích với các học giả trong nỗ lực tăng cường bảo vệ an ninh mạng.

Roy Rashti – một chuyên gia an ninh mạng nói: “Hầu như mọi phần mềm độc hại được phát tán trong lịch sử đều có thể được tìm thấy trên trực tuyến. Nếu ai đó muốn truy cập vào các tệp đó với mục đích học thuật, họ dễ dàng làm như vậy mà không cần đầu tư 1 triệu USD”.

“The Persistence of Chaos” như một tác phẩm nghệ thuật hiện đại

Tuy nhiên, mục đích của dự án không nằm ở việc nghiên cứu phần mềm độc hại, mà là để giới thiệu những mối đe dọa rất rõ ràng này.

“Những phần mềm này có vẻ rất trừu tượng, với những cái tên ngộ nghĩnh, có phần ma quái, chúng có vẻ là những thứ không có thực”, tác giả Guo O Dong nói. “Nhưng thực ra, phần mềm độc hại chính là những thứ ‘hữu hình’ nhất, có thể nhảy ra khỏi màn hình của bạn và gây tổn thất không ngờ”.

Guo O Dong thuộc làn sóng nghệ sĩ mới áp dụng sáng tạo vào công nghệ và Internet để tạo ra những hình thức nghệ thuật mới chưa từng thấy. Một trong những ví dụ điển hình: đầu năm nay, Portrait of Edmond Belamy đã trở thành bức tranh đầu tiên được tạo ra bởi trí thông minh nhân tạo được bán đấu giá.

“Tôi thường xuyên phải suy nghĩ lại về những gì tạo nên nghệ thuật và những giới hạn của nghệ thuật. Tôi nghĩ tác phẩm này đúng là ở một cấp độ hoàn toàn mới: Một chiếc máy tính xách tay có giá trị bán lại khoảng 50 USD được bán đấu giá như vậy, đúng là một điều điên rồ!”, Gary Gary Cox – Giám đốc Công nghệ của một công ty lên tiếng.

Mặc dù không thể phủ nhận “tác phẩm” có phần phô trương, thiết bị này sẽ vẫn có được vị trí trung tâm trong một bảo tàng về lịch sử chiến tranh mạng trong một vài thập kỷ. Về cơ bản, chiếc laptop này chứa lịch sử thời hiện đại bằng các từ mã 0,1.

Theo Matt Aldridge – Kiến trúc sư giải pháp cao cấp – The Persistence of Chaos đóng vai trò như một tuyên bố hùng hồn về hiện trạng của cộng đồng Internet và xã hội (đặc biệt là xã hội phương Tây) nói chung. Làm nổi bật những mối đe dọa này có thể giúp thúc đẩy các cuộc thảo luận quan trọng về cách con người chúng ta tiến bước trong thời đại kỹ thuật số.

“Vẻ đẹp nằm trong con mắt người si tình”, Paul Farrington – EMEA CTO cho Veracode – nói, “nhưng với số tiền đó, chúng ta có thể mua hàng triệu thứ hữu dụng ngoài kia”.

WannaCry – phần mềm độc hại có trong The Persistence of Chaos

Tác phẩm có thực sự an toàn?

The Persistence of Chaos hoàn toàn bị ngắt kết nối. Tuy nhiên, Cox cảm thấy rằng chúng ta vẫn có thể gặp rủi ro với thiết bị này, do ổ đĩa chứa phần mềm độc hại có thể bị lấy ra và cài đặt vào một thiết bị khác. “Anh có thể ví bán chiếc laptop này như bán vũ khí, hoặc ít nhất là trang bị vũ khí cho ai đó để có thể phạm tội”, Cox nói.

Etienne Greeff – CTO và người sáng lập SecureData – mỉa mai: “Ở một nơi nào đó ở Nga, một hacker đang tự hỏi làm thế nào kiếm được 300.000 USD bằng cách dùng mã độc tống tiền rồi phát hiện ra anh ta có thể hốt được 1 triệu USD khi bán nó như một tác phẩm nghệ thuật”.

Tuy nhiên, với sự tồn tại của những tội phạm mạng kiếm được hàng tỷ USD nhắm vào các đại gia công nghiệp, các giám đốc điều hành kinh doanh và thậm chí là các nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng, Guo và tác phẩm nghệ thuật của mình có thể không an toàn như nhiều người đang nghĩ.

Nguồn vietnamnet