“TP.HCM đang trở thành điểm sáng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, chip điện tử. Nếu “chớp” được cơ hội và có những bước đi đúng đắn, Thành phố sẽ có một vị trí đáng kể trên bản đồ thế giới về ngành công nghiệp này”, TS. Lê Trường Tùng mở đầu trò chuyện với thông tin lạc quan.
* Theo ông, để tận dụng cơ hội và mục tiêu này, chúng ta cần làm gì trong ngắn hạn?
– Cơ hội đã có nhưng đây không chỉ là tầm nhìn của các công ty mà phải được xem là tinh thần của quốc gia. Phải tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực và quan hệ hợp tác quốc tế. Bởi khi gia nhập vào thị trường toàn cầu, nguồn nhân lực Việt Nam không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phải đáp ứng nhu cầu công nghệ cao của thế giới và của các công ty, nhà máy liên quan đến thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, đóng gói, vi mạch bán dẫn…
Xác định cơ hội không phải lúc nào cũng đến và để nắm bắt cơ hội đang có, năm 2023, Chính phủ làm được khá nhiều việc và đã giao cho các bộ, ngành, một số địa phương thực hiện chiến lược và có những bước đi phù hợp. Hiện, Việt Nam đã có một vị thế nhất định trên thị trường thế giới khi cung cấp được nguồn nhân lực, cung cấp được những dịch vụ, các sản phẩm, các thiết bị công nghệ và được các nước đón nhận. Đón nhận xu hướng này, chúng ta cần có chiến lược tổng thể, định hướng xuyên suốt từ quy mô quốc gia, bộ ngành đến quy mô địa phương, các cơ sở đào tạo… mỗi nơi phải thực hiện xây dựng các chính sách, đề án, phải chuẩn bị lực lượng, hình thành các mối quan hệ quốc tế và có những bước đi phù hợp. Ví dụ, trường đại học có hướng đi của trường, địa phương có hướng đi của địa phương, bộ ngành có hướng đi của bộ ngành.
* Riêng TP.HCM, nhiều đánh giá cho rằng có rất nhiều lợi thế nhưng chưa hẳn không có thách thức, nếu không có hành động thực thi sớm sẽ mất ưu thế, ý kiến ông thế nào?
– Đúng. TP.HCM (Thành phố) có rất nhiều lợi thế để nắm bắt cơ hội.
Thứ nhất, Thành phố là nơi tập hợp nguồn nhân lực chất lượng rất cao. Hàng năm, số lượng học sinh khá giỏi ở các địa phương khác dồn vào Thành phố học đại học rất đông. Rõ ràng đây là một lợi thế vì sau khi tốt nghiệp, các em sẽ làm việc ở Thành phố.
Thứ hai là Thành phố có rất nhiều trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo khác nhau, đây cũng là một lợi thế giữa các địa phương khác vì ở nhiều địa phương, thậm chí hiện nay vẫn chưa có trường đại học.
Thứ ba là ưu thế trong việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao.
Song, để cạnh tranh với các tỉnh nằm sát TP.HCM thì lại không dễ dàng. Bởi, giá thuê đất và chi phí ở Thành phố không phải thuận lợi, không còn giá rẻ. Chỉ cần chạy khoảng cách 20km về Long An, về Bình Dương, Đồng Nai… cũng không quá xa và chính sách ở các địa phương này cũng nhiều ưu đãi. Nhưng dù sao Thành phố cũng đã hình thành những khu công nghệ cao, đã thu hút được một số nhà đầu tư công nghệ lớn như Tập đoàn Intel, Samsung… nên Thành phố cũng có vị thế, hình ảnh nhất định, điều kiện đi lại cũng thuận lợi, có nguồn nhân lực của các cơ sở đào tạo nên vẫn có nhiều cơ hội thu hút đầu tư. Vậy nên, Thành phố cần sớm có chiến lược, chính sách một cách đúng đắn để tận dụng được thế mạnh hơn.
* Công nghệ bán dẫn vi mạch, chíp điện tử được xác định là ngành ưu tiên để thu hút nhà đầu tư chiến lược của TP.HCM, nhưng để phát triển thành trung tâm công nghệ bán dẫn của Việt Nam, theo ông, Thành phố đã đủ nguồn lực, cơ chế, chính sách để thực hiện chưa? Đang thiếu gì và làm thế nào để có thể thực hiện nhanh được mục tiêu này?
– Lợi thế lớn nhất của TP.HCM là đã ban hành các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98, các nhà đầu tư, các cơ sở đào tạo… đều được duyệt các khoản kinh phí khá lớn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút các tài năng về làm việc ở Thành phố và các trường đại học. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù là một chuyện. Hiện, chính sách cho người theo học ngành công nghệ, chính sách khác biệt của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Thành phố chưa có ưu đãi khác biệt so với các địa phương khác, chính sách vẫn chưa rõ ràng và chưa đi vào cuộc sống. Thực tế đã có đề xuất chính sách học bổng nhưng bao nhiêu, khi nào áp dụng, ai sẽ cấp tiền và ở đâu thì vẫn chưa có câu trả lời.
Bên cạnh đó, các chính sách cho các cơ sở triển khai những hoạt động đào tạo liên quan lĩnh vực công nghệ cũng chưa có gì cụ thể về ưu đãi về đất đai, vốn, thuế… trong khi, đây là một lĩnh vực khó, hơn nữa lại là đầu tư cho tương lai nên rất nhiều thách thức và đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và dài hạn. Vì thế, chính sách cần phải khác biệt, phải hết sức cụ thể, đi vào thực tiễn áp dụng vì thời cơ, thời gian là cực kỳ quan trọng.
* Nói đến công nghệ bán dẫn vi mạch, chíp điện tử sẽ nghĩ đến nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng ông lại cho rằng, chúng ta đang lạm dụng cụm từ “nhân lực chất lượng cao”, vì sao, thưa ông?
– Khi đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, chúng ta bắt đầu đặt vấn đề nguồn nhân lực, trong khi, đây là việc phải đi trước một bước, phải đón đầu. Tuy nhiên, rất tiếc là tư duy xã hội không theo kịp các thay đổi này. Quan điểm về đào tạo vẫn nặng tâm lý học để có bằng cấp…
Sở dĩ, tôi cho rằng chúng ta đang lạm dụng từ “nhân lực chất lượng cao” vì ngành công nghệ vi mạch bán dẫn của Việt Nam mới chỉ bắt đầu nên chỉ cần đạt tiêu chuẩn “nhân lực có chất lượng” là đủ. Một thực tế là nhiều doanh nghiệp vẫn “than”, những kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ mà các trường đào tạo cho sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Với sự phát triển nhanh chóng hiện nay do thâm nhập của công nghệ số, sự dịch chuyển nền kinh tế sang công nghiệp 4.0, nhân lực cũng cần có những kỹ năng để phù hợp với sự thay đổi đó, thậm chí “đầu ra” của các trường đại học phải đi tiên phong trong cuộc chuyển đổi số. Các kỹ năng khác như tư duy phản biện, kỹ năng mềm, những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của công nghiệp 4.0… được xem là “chất” của đào tạo thì các trường rất thiếu trong suốt thời gian dài. Lẽ ra, sinh viên khi tốt nghiệp phải nắm được thì lại không được dạy trong trường. Vì thế, chỉ cần làm thế nào cung cấp được nền học vấn đủ “chất”, chứ chưa nói đến “ngon”, tức là nhân lực chất lượng cao.
* Nghĩa là, đào tạo đại học hiện nay cần phải thay đổi để tránh bất cập, xa rời thực tế và nhu cầu?
– Đúng. Hiện nay các trường đại học vẫn chủ yếu tập trung vào đào tạo tinh hoa. Thực tế thì một ngành công nghiệp không chỉ dựa vào tinh hoa được, nó có nhiều tầng khác nhau, nhu cầu khác nhau và bây giờ cái thiếu lại không phải là thiếu tinh hoa mà là thiếu kỹ năng để có thể tham gia ngay vào sản xuất. Ví dụ tại Đài Loan (Trung Quốc), thị trường rất lớn và đang thiếu nhân lực do không đào tạo kịp. Họ sẵn sàng nhận nguồn nhân lực từ Việt Nam, nếu đáp ứng được những yêu cầu nhân lực, nhiều doanh nghiệp công nghệ của Đài Loan cũng tính đến chuyện sẽ mở nhà máy ở Việt Nam, khi đó, họ cũng sẽ đưa người đang làm việc ở Đài Loan quay trở lại Việt Nam làm việc cho họ. Như vậy, vấn đề phát triển nhân lực phải tính đến chuyện phục vụ thị trường toàn cầu. Cần bỏ tư duy cứ đào tạo theo kiểu của mình là ở đâu cũng chấp nhận, vì ở mỗi nơi sẽ có những yêu cầu và tiêu chuẩn khác nhau.
* Để đáp ứng những vấn đề ông vừa nêu trên, cách làm như thế nào hiệu quả?
– Thứ nhất, việc đào tạo nguồn nhân lực cần theo cách đào tạo nhiều tầng. Cụ thể là đào tạo lại sau đại học, cho những người đã có kiến thức, những ngành cần đào tạo ngắn hạn và thậm chí là đào tạo một phần, sau đấy cho đi làm việc ở nước ngoài để đào tạo tiếp. Hiện, có rất nhiều mô hình và nhiều cách đào tạo để vận dụng, nhưng quan trọng nhất là Nhà nước làm thế nào khuyến khích tất cả các mô hình đào tạo cùng tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Thứ hai, phải trả lời được câu hỏi: “Nếu người học tham gia học ngành này thì được ưu đãi gì so với học ngành khác, các trường đào tạo ngành này thì được hỗ trợ chính sách của nhà nước như thế nào.
* Chiến lược của TP.HCM sẽ phát triển thành trung tâm công nghệ bán dẫn của Việt Nam, hướng đến toàn cầu, chiến lược này có thể thực hiện được sớm và khả thi không, thưa ông?
– Thực ra, bây giờ rất nhiều địa phương cũng đặt chiến lược tương tự như vậy. Đà Nẵng cũng đang mong muốn trở thành một trung tâm liên quan đến vi mạch bán dẫn. TP.HCM cũng đặt mục tiêu vì nó đang là xu hướng tất yếu và là cơ hội, vấn đề là làm thế nào tận dụng được thế mạnh của Thành phố. Ví dụ, làm thế nào khơi thông được xuất khẩu lao động, khi có cơ hội làm việc nước ngoài thì rất nhiều người sẽ muốn học, có thể học một nửa thời gian trong nước, một nửa ra nước ngoài theo cách phối hợp với các công ty nước ngoài, đại học chỉ đào tạo phần đầu, còn phần sử dụng thiết bị rất đắt tiền để thực hành thì cho sinh viên ra nước ngoài học. Rất nhiều đối tác ở nước ngoài cho biết, họ đang cần số lượng nguồn nhân lực rất lớn, nếu Việt Nam cung cấp được thì tỷ lệ các công ty nước ngoài tính chuyện đầu tư, mở nhà máy ở Việt Nam sẽ nhiều hơn.
* Hiện nay, nhiều trường đại học đã tổ chức đào tạo và tuyển sinh, Đại học FPT cũng được đánh giá là một trong những nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng trên thị trường. Các nhà tuyển dụng gọi là “săn nhân tài “ ở đây, theo ông, việc đào tạo này có thực chất đạt chất lượng chưa hay vẫn là đón đầu xu hướng, nhu cầu?
– Năm nay, Đại học FPT bắt đầu tuyển sinh thì từ tháng 9/2024, phải mất 4,5 năm nữa các em mới ra trường, tức là phải đến năm 2028-2029 mới có những lứa sinh viên đầu tiên ra trường. Như thế làm gì kịp và đã lỡ mất cơ hội. Cho nên đào tạo thì cứ đào tạo nhưng để xây dựng ngành công nghiệp phần mềm mà chỉ dựa vào đào tạo như cách làm hiện nay và lâu nay thì không được. Với nhu cầu công nghệ hiện nay, xu thế kinh tế toàn cầu, việc 4 năm đào tạo là khoảng thời gian quá dài, vì thế, quan trọng nhất là phải có giải pháp ngắn hạn, ví dụ một năm nữa có đầu ra hay không, số lượng là bao nhiêu… cần phải có chiến lược cụ thê.
* Nói vậy, chiến lược FPT trong đào tạo phải khác biệt?
– Tại Đại học FPT, chúng tôi quan tâm đến đào tạo ngắn hạn, nhanh, số lượng lớn và chất lượng đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay và cung cấp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, đồng thời lôi kéo các doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư ở Việt Nam với cam kết FPT sẽ cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao.
* Cụ thể, Đại học FPT sẽ đóng góp gì trong chiến lược phát triển của Thành phố, thưa ông?
– Để kịp đóng góp vào mục tiêu phát triển lĩnh vực công nghệ bán dẫn vi mạch của Thành phố, FPT có hướng đi riêng là tập trung đào tạo ngắn hạn, làm thế nào sau một năm nữa, sẽ có khoảng một ngàn sinh viên ra nước ngoài học tập, làm việc. Sau khi có kinh nghiệm làm việc và đã quen với công việc, nhân lực này sẽ quay trở lại Việt Nam. Đây chính là tiền đề quan trọng để thu hút doanh nghiệp nước ngoài mở nhà máy tại TP.HCM.
* Để có một nguồn nhân lực chất lượng cao, có đề xuất phải nâng chi phí đào tạo lên từ nhiều nguồn, đề xuất này sẽ mang lại chất lượng đào tạo ra sao, thưa ông?
– Khi xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, mọi người đều quan tâm đến cả số lượng và chất lượng. Thế nhưng, để có chất lượng thì tổng đầu tư cho đào tạo một người học phải đủ lớn và hiện tại nếu tính cái phần chi phí đào tạo cho một người học tại Việt Nam dường như thấp nhất thế giới. Thông thường, chi phí liên quan đến người học sẽ đi từ ba nguồn. Nguồn thứ nhất là học phí. Ở các nước, học phí đại học khá cao và cũng tăng lên dần nhưng ở Việt Nam, tâm lý học phí thấp nên hễ học phí cao là tạo ra dư luận xã hội, vì vậy, không thể ngày một, ngày hai có thể thay đổi tâm lý này.
Thứ hai là đầu tư từ phía Nhà nước, vì việc học cuối cùng cũng mang lại lợi ích cho quốc gia. Cho nên, Nhà nước hưởng lợi thì cũng phải đầu tư. Hiện nay, việc tự chủ đại học, tức là các trường đại học phải tự lo kinh phí và Nhà nước không phải rót tiền nữa thì cũng không hoàn toàn đúng.
Thứ ba là tín dụng, phải hiểu tín dụng không đơn thuần là đi vay để học mà thực tế là lấy kinh phí từ tương lai để chi cho hiện tại và sau này, khi sinh viên đi làm sẽ trả lại. Nhưng hiện nay kênh tín dụng của Việt Nam vẫn mang tính chất như chính sách xã hội, chưa lấy tương lai để đầu tư cho hiện tại. Trong khi ở các nước thì kênh tín dụng và giáo dục đào tạo thông nhau và họ không chỉ thu hồi được nguồn vay này mà còn xoay vòng vốn tốt.
* Gắn nghiệp với đào tạo, ông còn điều gì trăn trở cho giáo dục Việt Nam? Ông nghĩ gì về vai trò dẫn dắt của đại học?
– Trường đại học đi trước xã hội một bước, điều đó không có nghĩa đào tạo xong mấy năm sau mới đóng góp cho xã hội mà đại học chính là nơi nó tập hợp trí tuệ tốt nhất. Thực tế hiện nay tại các công ty đã thành lập bộ phận nghiên cứu còn “xịn” hơn đại học và không chờ đặt hàng từ các trường đại học nữa, chỉ vì đại học Việt Nam “ù lỳ” quá, doanh nghiệp chẳng muốn mất thời gian và cuối cùng là đại học bị tụt hậu, tức là hiện nay công nghệ đi nhanh hơn và đại học đi đằng sau.
Vậy nên, cần phải có thể chế thay đổi cho giáo dục. Giáo dục phải tham gia trực tiếp vào nền kinh tế và hoạt động xã hội chứ không nằm chót vót ở trên thượng tầng kiến trúc nữa, nói một cách dân dã là “phải tụt xuống dưới” để đi cùng xã hội và nền kinh tế, để quan sát thực tế để có những thay đổi từ góc nhìn giáo dục. Trước đây, một nhà máy chỉ cần dăm ba kỹ sư, còn lại toàn là công nhân và kỹ sư ngày xưa là học một lần, dùng kiến thức suốt đời, bây giờ xã hội phát triển nhanh hơn, công nghệ, tri thức vượt bậc, những việc công nhân làm thì tự động hóa làm hết, ví thế nhân công làm việc trực tiếp thì trình độ phải cao hơn hẳn. Đó là lý do đào tạo đại học cũng phải thay đổi.
Từ việc đào tạo tinh hoa sang đại chúng, từ chuyện toàn cầu hóa, đại học đào tạo không còn biên giới nữa mà phải gắn chặt với nền kinh tế toàn cầu, và hội nhập quốc tế.
Hiện chúng ta đã tồn tại quá lâu tư duy chỉ cần cung cấp học vấn, cung cấp bằng cấp chuyên môn và trên cơ sở ấy tạo ra địa vị của người học trong xã hội. Có bằng đại học ngày xưa là oai cực, bây giờ thì nó không oai nữa. Bởi công việc đang thay đổi rất nhanh, giá trị của công việc gắn với kiến thức kỹ năng mới chính là giá trị chứ không phải bằng cấp.
* Vậy mong muốn và hạnh phúc của ông khi gắn nghiệp với giáo dục là gì?
– Mong muốn mà cũng là hạnh phúc của tôi và ban lãnh đạo FPT là đào tạo ra những con người tử tế cho xã hội và thế hệ mai sau. Mục tiêu của chúng tôi phải làm sao để mỗi em sinh viên sẽ mang lại hạnh phúc cho chính bản thân. Trong bối cảnh nhiều biến động, ảnh hưởng về cảm xúc, các em phải luôn vững vàng. Chúng tôi đưa ra phương châm xây dựng trường học hạnh phúc, xây môi trường trải nghiệm vượt trội và môi trường giáo dục tử tế cho người học.
* Xin cảm ơn ông về chia sẻ.
Lữ Ý Nhi
(theo Doanh Nhân Sài Gòn)