Reuters: Việt Nam đang đàm phán mở nhà máy sản xuất chip

Việt Nam đang thực hiện chiến lược thu hút đầu tư nhiều hơn vào bán dẫn, gồm cả các công ty trong lĩnh vực sản xuất chip (foundry). Reuters hôm 31/10 dẫn lời ông Vũ Tú Thành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN rằng trong những tuần gần đây Việt Nam đang đàm phán với một số công ty của Mỹ để mở nhà máy sản xuất chip, nhưng từ chối tiết lộ tên các công ty do mới ở giai đoạn sơ bộ.

mở nhà máy sản xuất chip
Mẫu chip do một trường đại học ở Việt Nam thiết kế và thuê sản xuất, được trưng bày tại triển lãm đổi mới sáng tạo VIIE 2023. Ảnh: Lưu Quý

Sản xuất là một trong ba khâu chính trong việc tạo ra một chip bán dẫn, bên cạnh thiết kế và đóng gói. Đây cũng là khâu duy nhất Việt Nam chưa tham gia do chưa có bất cứ doanh nghiệp nào mở nhà máy sản xuất chip. Trong khi ở khâu thiết kế, Việt Nam hiện là điểm đến của khoảng 50 doanh nghiệp, còn khâu đóng gói có sự xuất hiện của nhà máy Intel từ 2006 và mới đây là Amkor.

Một số quan chức trong ngành cho biết các cuộc đàm phán mở nhà máy sản xuất chip ở giai đoạn này tập trung vào vấn đề như ưu đãi, trợ cấp, cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động. Một nguồn tin cũng tiết lộ cuộc đàm phán mở nhà máy sản xuất chip trên có sự xuất hiện của hai nhà sản xuất chip là GlobalFoundries và PSMC. Người này cũng cho biết việc xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam có thể sẽ phục vụ việc sản xuất những chip không quá tiên tiến, như chip dùng trong ôtô hoặc lĩnh vực viễn thông.

GlobalFoundries và PSMC không đưa ra bình luận về thông tin trên.

Tại hội nghị công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) chiều 29/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển hệ sinh thái bán dẫn, như lực lượng lao động trong lĩnh vực kỹ thuật dồi dào, nhiều đơn vị đào tạo, doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác phát triển ngành, có ba khu công nghệ cao với đầy đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng để đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn. “Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng cho biết.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng Công nghiệp ICT – Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đang xây dựng, Việt Nam trước mắt sẽ tập trung vào sản phẩm chip chuyên biệt, như chip cho IoT, đồng thời thu hút các doanh nghiệp FDI để tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn.

Trả lời VnExpress hồi tháng 9 về vấn đề mở rộng khâu sản xuất chip, ông Nguyễn Thanh Yên, quản trị viên Cộng đồng vi mạch Việt Nam, đánh giá đây là mảng khó. “Sản xuất chế tạo là nói đến bài toán sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, cạnh tranh về chất lượng và giá vô cùng khốc liệt. Sẽ rất rủi ro nếu không có giai đoạn chuẩn bị từ trước”, ông Yên nói. Theo ông, Việt Nam trước mắt có thể tập trung vào mảng mà trong nước có thế mạnh là thiết kế. Tuy nhiên, cũng cần chuẩn bị cho tương lai có thể hợp tác với các công ty lớn để mở nhà máy sản xuất chip, trong bối cảnh nhân lực ngành chip toàn cầu đang thiếu hụt nặng.

Lưu Quý
(theo VnExpress)

đánh giá