Phân tích phần mềm độc hại là gì? Các bước tiến hành ra sao?

Phần mềm độc hại (malware), đôi khi còn được gọi là phần mềm ác ý, phần mềm ác tính hay phần mềm gây hại hoặc mã độc, là một loại phần mềm hệ thống được tin tặc hay những kẻ phá hoại tạo ra nhằm gây hại cho các hệ thống máy tính, phần mềm, vậy thì phân tích phần mềm độc hại là gì? trong những tình huống nào chúng ta cần phải tiến hành phân tích phần mềm độc hại? Quy trình phân tích mã độc được triển khai ra sao? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.

Phân tích phần mềm độc hại

Phân tích phần mềm độc hại là một quá trình liên quan đến việc nghiên cứu và tìm hiểu cách thức một phần mềm độc hại cụ thể hoạt động ra sao, cũng như việc nó có thể tác động như thế nào đến một hệ điều hành, chương trình mục tiêu. Như chúng ta đều biết, mỗi phần mềm độc hại lại sở hữu code khác nhau, vì vậy chức năng của chúng cũng không giống nhau và cực kỳ đa dạng. Tuy nhiên suy cho cùng, mục đích chính của các phần mềm độc hại này vẫn không nằm ngoài việc chiếm hữu thông tin, dữ liệu từ thiết bị bị lây nhiễm mà không có sự cho phép hoặc ủy quyền của cụ thể của người dùng.

Các trường hợp cần phải triển khai quy trình phân tích phần mềm độc hại

Bảo mật máy tính

Một trong những trường hợp cần phải triển khai các quy trình phân tích phần mềm độc hại là nhằm xác định xem một tổ chức có thực sự bị nhiễm phần mềm độc hại hay không, nếu có thì chủng loại mã độc đó là gì loại và có tác động ra sao đối với hệ thống. Từ những hiểu biết thu được trong quá trình phân tích, các chuyên gia bảo mật sẽ đưa ra hành động ứng phó phù hợp nhất, hạn chế tối đa những sai lầm có thể gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống.

Nghiên cứu phần mềm độc hại

Đúng vậy, nghiên cứu phần mềm độc hại là một nhiệm vụ rộng lớn, phức tạp, và phân tích phần mềm độc hại chính là một quy trình con cấu thành nên nhiệm vụ này. Việc nắm rõ đặc điểm và cách thức hoạt động cụ thể của phần mềm độc hại là một trong những biện pháp phòng vệ tốt nhất để chống lại chúng. Trong đó, quy trình phân tích mã độc sẽ mang đến cho các chuyên gia bảo mật những hiểu biết tối ưu nhất về bản chất của một chương trình độc hại, cũng như những giải pháp mà họ có thể triển khai để đảm bảo khả năng bảo vệ một cách chủ động nhất.

Trích xuất các dấu vết tấn công hệ thống (Indicators of Compromise)

Indicator of Compromise (IoC) chính là những manh mối dữ liệu cho thấy dấu vết của một hành vi xâm nhập trái phép còn lưu lại trên hệ thống. Những dữ liệu này có thể bao gồm các đoạn log, email còn lưu lại, địa chỉ IP sau khi download dữ liệu, hay giá trị md5 của các mã độc.

Các nhà cung cấp giải pháp phần mềm sẽ phải tiến hành phân tích phần mềm độc hại trên quy mô cục bộ để tìm ra bất kỳ manh mối mới nào, điều này có thể giúp một tổ chức đưa ra biện pháp tự bảo vệ mình hiệu quả hơn trước các cuộc tấn công tiềm năng.

4 giai đoạn chính trong quy trình phân tích phần mềm độc hại

Để hiểu rõ phân tích phần mềm độc hại là gì, điều quan trọng là nắm được 4 giai đoạn không thể thiếu trong một quy trình phân tích phần mềm độc hại điển hình, bao gồm:

Phân tích tự động

Nếu bạn tìm thấy một chương trình đáng ngờ xuất hiện trên hệ thống mạng nội bộ của tổ chức, cách nhanh chóng và dễ dàng nhất để xác định xem đó có phải là một mối đe dọa bảo mật hay không là sử dụng các chương trình phân tích bảo mật tự động. Chúng có thể nhanh chóng tìm ra các chức năng cũng như mục đích thực sự của một phần mềm độc hại tiềm năng. Tuy đây không phải là giải pháp toàn diện nhất, nhưng nó dễ triển khai nhất và đồng thời tốn ít thời gian nhất.

Phân tích thuộc tính mã độc

Việc xem xét, phân tích kỹ các thuộc tính tĩnh của phần mềm độc hại sẽ mang đến cho các chuyên gia bảo mật cái nhìn chi tiết hơn về khả năng của mã độc, cũng như thiệt hại mà nó có thể gây ra trong thực tế. Ngoài ra bạn cũng không cần phải lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra trong phân tích thuộc tính mã bởi quá trình này không đòi hỏi phải khởi chạy chương trình độc hại.

Bước này sẽ cung cấp những chỉ số cơ bản về các dấu vết tấn công hệ thống.

Phân tích đặc tính/hành vi tương tác

Ở giai đoạn này, bạn phải đặt phần mềm độc hại trong một môi trường thí nghiệm biệt lập, cho phép bạn có thể quan sát hoạt động của mã độc một cách an toàn. Thông tin cần thiết thu được trong giai đoạn này sẽ đóng vai trò như như một nhân tố quan trọng, hỗ trợ các chuyên gia bảo mật trong việc thiết lập và triển khai các công cụ tự động nhằm phát hiện và ngăn chặn mã độc nhanh hơn, dễ dàng hơn.

Mã hóa ngược

Bước cuối cùng và cũng là quan trọng nhất trong toàn bộ quy trình phân tích phần mềm độc hại. Phương án toàn diện nhất để hiểu hiểu rõ về một phần mềm độc hại là đảo ngược mã của nó theo cách thủ công. Mã hóa ngược mang đến những kiến thức chi tiết nhất về phần mềm độc hại, những gì nó có thể làm, cùng với đó là các biện pháp mà tổ chức có thể thực hiện để bảo vệ hệ thống của mình trước những tác hại mà mã độc gây ra.

Trên đây là những thông tin cơ bản về khái niệm, quy trình phân tích phần mềm độc hại cũng như cách thức triển khai. Chúc các bạn xây dựng được một hệ thống bảo mật chặt chẽ và an toàn!

đánh giá