Ngành công nghệ Chip đang nổi lên như một “ngôi sao sáng” trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Nắm bắt cơ hội này, nhiều bạn trẻ đã dũng cảm “dấn thân nghề chip” tham gia vào con đường đầy thử thách nhưng tiềm năng này. Một trong số đó là anh Nguyễn Anh Tuấn, chàng trai thế hệ 8x bắt đầu từ con số 0 với niềm đam mê mãnh liệt về điện tử và công nghệ, đã quyết định theo đuổi ngành Thiết Kế Vi Mạch Bán Dẫn quốc tế (thiết kế Chip) tại FPT Jetking.
Từ sự “tò mò” đến đam mê ngành Thiết Kế Vi Mạch Bán Dẫn
“Mình thích đồ điện tử từ nhỏ. Ngày còn bé đã luôn thích vọc các thiết bị điện tử với 1 chiếc tua vít. Dĩ nhiên không có đủ đồ nghề như thời bây giờ nhưng thành công là tháo ra được và ráp vào không dư con vít nào. Lớn lên, anh theo học ngành kinh tế để có thu nhập tốt hơn, nhưng đam mê với công nghệ vẫn luôn âm ỉ cháy trong anh. Sau khi ổn định về tài chính, anh quyết định theo đuổi ước mơ của mình”. Anh Tuấn chia sẻ khi được hỏi về lý do lựa chọn theo học ngành Thiết Kế Vi Mạch.
Bước chân vào lĩnh vực hoàn toàn không thuộc chuyên môn, Anh Tuấn đã chuẩn bị cho mình tâm lý luôn sẵn sàng học hỏi, thay đổi để thích ứng với mọi hoàn cảnh. Bởi anh biết rằng, con đường chinh phục ngành Thiết Kế Vi Mạch Bán Dẫn không hề dễ dàng. Điều này càng minh chứng rõ hơn khi vốn kiến thức vi mạch của anh bấy giờ hoàn toàn bằng 0. “Khó khăn đầu tiên chính là kiến thức nền tảng của mình về lĩnh vực này gần như là zero“, Anh Tuấn chia sẻ. Anh phải học lại kiến thức phổ thông về vật lý, hóa học để hiểu được nguyên lý hoạt động của một bộ vi mạch bán dẫn. Thêm vào đó, việc đọc tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh cũng là một thử thách không nhỏ. Tuy nhiên những điều này không làm vơi đi niềm đam mê vi mạch trong anh, càng khó khăn anh càng muốn chinh phục.
“Khó khăn cuối cùng chính là thời gian, làm thế nào để cân bằng giữa việc vừa học vừa làm hay là tập trung cho nó 100% thì bạn phải có nguồn tài chính để duy trì việc học liên tục trong 2 năm“, Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Vượt qua những khó khăn đó, động lực lớn nhất của Anh Tuấn chính là đam mê. “Sự tò mò, muốn chinh phục những thử thách sẽ giúp mình theo đuổi ngành này“, anh khẳng định. Anh luôn tìm thấy niềm vui trong việc khám phá những điều mới mẻ. “Ví dụ như các bạn có từng bao giờ thắc mắc là sao mà người ta có thể làm cái dây đèn noel nó nhấp nháy hay vậy không? Ngay từ những buổi học đầu tiên mình đã làm được điều đó bằng chính tay mình, như thế này (hình ảnh minh hoạ bên dưới). Thú vị đúng không nào?”, anh hào hứng chia sẻ.
Hành trình dấn thân nghề chip chinh phục tương lai
Xuất phát điểm không phải dân “nhà nòi” anh Tuấn cũng nhận thấy rằng bản thân sẽ phải rất nỗ lực, dành nhiều thời gian để bổ sung kiến thức nền. Là một cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cùng với tấm bằng MBA chuyên ngành kinh tế của Đại học California Miramar, anh Tuấn đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm dày dạn, có thể thấy được mức thu nhập cho công việc hiện tại của anh là không hề nhỏ.
Tuy nhiên với niềm đam mê mãnh liệt với vi mạch, sau nhiều lần trăn trở, anh đã quyết định từ bỏ công việc hiện tại và theo đuổi đam mê: “Thực ra mình đã plan cho việc chuyển ngành từ cách đây 2 năm rồi. Do vậy mình quyết định là nghỉ hẳn công việc hiện tại và dành thời gian cho hai việc là chăm sóc gia đình và theo học vi mạch. Để làm được điều này mình đã có kế hoạch kiếm tiền tốc hành để có thể đảm bảo thu nhập trong hai năm, tạm gọi là thất nghiệp. Khoản tiền đủ để mình chuyên tâm học hành, nuôi sống gia đình mà không phải lăn tăn, lo nghĩ”.
Khi được hỏi về ấn tượng của Anh Tuấn về chương trình đào tạo FPT Jetking, anh hào hứng chia sẻ “Việc học rất sát với thực tế, cho học viên cảm giác “làm được” một cái gì đó bằng chính đôi tay của mình, thỏa mãn được sự tò mò“. Anh còn cho biết thêm giảng viên rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn cách học, cài đặt thiết bị, phần mềm, hướng dẫn đọc giáo trình bên Ấn Độ. Ngay từ những ngày đầu học định hướng, Anh Tuấn đã có cơ hội gặp gỡ và làm quen với rất nhiều bạn trẻ có cùng niềm đam mê công nghệ. Đây cũng là dịp để anh trau dồi kỹ năng giao tiếp, xây dựng những mối quan hệ và giúp đỡ nhau trong quá trình học.
Anh Tuấn đã chia sẻ rằng sự tự tin vào khả năng của bản thân là yếu tố quan trọng nhất để thành công trong ngành Thiết Kế Vi Mạch. “Dù bắt đầu từ một nền tảng trái ngành, nhưng nếu bản thân có niềm tin rằng mình có thể học và tiến bộ, thì không có gì là không thể. Hãy tin tưởng vào khả năng của mình và sẵn lòng đối mặt với những thách thức mới,” Anh Tuấn nói.
Với ngọn lửa đam mê vi mạch rực cháy trong tim, dù bước qua tuổi 40 nhưng anh Tuấn không ngần ngại “dấn thân” vào một lĩnh vực hoàn toàn mới. Sẵn sàng bắt đầu từ vị trí junior, fresher, chấp nhận mức lương của một sinh viên mới ra trường. Bởi lẽ, anh hiểu rằng, con đường chinh phục tri thức và kỹ năng không bao giờ có giới hạn.
Câu chuyện của Anh Tuấn là minh chứng cho tinh thần dám nghĩ dám làm. Dù con đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với đam mê và sự nỗ lực, bạn sẽ chinh phục được những đỉnh cao mới, góp phần đưa ngành công nghệ Chip Việt Nam vươn tầm thế giới.