Dân công nghệ rất buồn chuyện anh Quảng và Bphone

Cuộc cách mạng 4.0 đã trở thành từ khoá của truyền thông trong suốt cả năm qua. Tuy nhiên, giới làm công nghệ đang lo sợ sự “vùi dập” không thương tiếc của báo chí khi họ đưa ra ý tưởng mới, như câu chuyện của CEO Nguyễn Tử Quảng của Bkav và chiếc điện thoại Bphone.

Tại cuộc tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo ICT tổ chức ngày 28/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Trung, CEO công ty công nghệ DTT, thẳng thắn chia sẻ về những cơ hội nhưng cũng đầy những thách thức mà giới làm công nghệ đang đối mặt hiện nay.

Ông Trung cho rằng, về mặt kinh tế, thời gian tới số lượng lao động là con người sẽ giảm do tự động hóa tăng lên rất nhiều. Đến 2020, 70% máy móc làm thay con người, số người lao động chỉ chiếm 15%. “Nhìn tổng quát trong cuộc cách mạng 4.0, ông nào cầm máy móc nhiều thì sẽ thắng vì lúc này, thời gian con người làm việc sẽ ít đi rất nhiều”.

Ông Nguyễn Thế Trung cũng nói rằng trong giai đoạn tới sẽ có sự xuất hiện của robot nấu ăn. Thậm chí nấu ăn ngon như đầu bếp nhà hàng 5 sao. Robot có động cơ tốt, cắt xén chính ác, có cân tiểu ly…. Sử dụng robot như thế, máy tự mở ra nấu ăn và thay thế hoàn toàn con người. Những cửa hàng sử dụng robot thông minh nấu ăn trực tiếp sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Châu Âu vào 2018.

 Tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo ICT tổ chức ngày 28/12 tại Hà Nội.

Tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo ICT tổ chức ngày 28/12 tại Hà Nội.

“Từ 2003, chúng tôi đã nghĩ là phải có tư duy giao việc cho máy tính. Vì nếu chúng ta làm kém hơn máy tính thì nó sẽ thay mình. Do đó, buộc mình phải giỏi hơn máy tính thì mới tồn tại được, để giao được việc cho nó thì mới giỏi được”, đại diện công ty DTT nói. “Chúng tôi đã hô hào “tư duy máy tính” từ mười mấy năm nay. Chúng tôi đã dạy từ các CEO, sinh viên đại học và hiện chúng tôi dạy cho học sinh từ cấp tiểu học, từ lớp 1. Đó là tư duy phải nghĩ ngay chuyện giao việc. Khi gặp vấn đề khúc mắc đừng hỏi bố mẹ, ông bà. Cách giải tôi khuyến khích là lên Google tìm lời giải!”.

Đó là câu chuyện giáo dục STEM (Science – khoa học, Technology – công nghệ, Engineering – kỹ thuật, Math – toán học). Ông Trung cho rằng STEM rất quan trọng. Trong STEM có thứ rất quan trọng, và Việt Nam còn rất thiếu là phải “engineer” được thông tin, “Tôi nghĩ rằng điều này rất cần cho các phóng viên. Phải “engineer” được thông tin”.

Ông Trung trăn trở: “Chúng tôi rất sốt ruột với tình hình tại Việt Nam. Giờ vẫn loanh quanh lập trình mấy trang web, thiết bị thì sẽ còn tụt hậu rất xa”.

Tuy nhiên, điều ông Trung cảm thấy ái ngại nhất trong cuộc cách mạng 4.0 đó là thiếu sự hỗ trợ từ giới truyền thông. CEO công ty DTT cho rằng, ở Việt Nam rất nhiều người dám để làm điều bắt kịp với thế giới nhưng chúng ta, báo chí có cho phép điều đó xảy ra hay không.

“Chúng tôi rất buồn về câu chuyện của anh Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav và điện thoại Bphone. Anh Quảng dám làm ra điện thoại để cạnh tranh với các ông lớn trên thế giới nhưng lại bị báo chí vùi dập, xem thường nên đã mang tiếng và gây ảnh hưởng tới cả những việc khác”, ông Trung thẳng thắn chia sẻ. “Giờ chúng tôi dù có làm một việc nhỏ nhỏ cũng luôn luôn sợ. Nói thật, họp với nhau vẫn nói không cẩn thận đưa ra sẽ bị báo chí vùi dập đập chết. Nếu làm như vậy không thể đi đến 4.0 được. Chính con người không cho phép thì 4.0 không thể xảy ra tại Việt Nam”.

đánh giá