Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái trong lĩnh vực bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.
Tuyên bố nhắc đến việc khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Những động thái trên được đánh giá là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD và có sức ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực trên thế giới.
Theo thống kê vào tháng 2 của Cục Thống kê Dân số Mỹ, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD sau một năm, chiếm 11,6% thị phần. Con số ấn tượng đưa Việt Nam cùng một số khu vực ở châu Á vào top thị trường tăng trưởng mạnh nhất, theo đánh giá của Bloomberg.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nếu xét trên thực tế toàn chuỗi cung ứng, Việt Nam mới chỉ đóng góp một phần nhỏ. Để làm ra một chip, có ba khâu cơ bản gồm: thiết kế, sản xuất và đóng gói. Việt Nam, với đại diện chính là nhà máy Intel tại TP HCM, hiện chỉ tham gia ở khâu cuối cùng trước khi chip được đưa ra thị trường. Đây cũng là phần chiếm tỷ lệ giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA, đóng gói chiếm khoảng 6% giá trị trong chip, trong khi hơn 53% nằm ở thiết kế (design), 24% ở sản xuất (foundry).
“Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu, nhưng chủ yếu tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói”, nhà phân tích Ivan Lam của Counterpoint Research nói với VnExpress.
Hơn 40 năm thăng trầm của lĩnh vực bán dẫn Việt
Ông Ivan Lam cũng đánh giá một trong những điểm còn thiếu của Việt Nam là chưa sản xuất được sản phẩm bán dẫn trong nước.
Thực tế, Việt Nam từng có nhà máy sản xuất linh kiện. Đó là vào tháng 9 của 44 năm trước, nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, bắt đầu thực hiện các hợp đồng sản xuất, xuất khẩu diode, transistor. Những người trong ngành coi đây là khởi đầu của lĩnh vực bán dẫn Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhà máy dừng sản xuất đầu những năm 90 thế kỷ trước, khâu này bị bỏ ngỏ.
Lĩnh vực bán dẫn Việt Nam manh nha trở lại với sự xuất hiện của một số văn phòng đào tạo kỹ sư thiết kế chip vào những năm cuối 1990. Giai đoạn 2004-2005, Việt Nam tham gia sâu hơn vào mảng thiết kế chip, với sự xuất hiện của một số công ty nước ngoài mở văn phòng thiết kế trong nước như RVC, Active Semi, cùng sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC). Một năm sau, Intel đầu tư vào Việt Nam, xây nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP HCM, đánh dấu bước tiến vào lĩnh vực đóng gói.
Sau một thời gian phát triển nóng, ngành chip chững lại do khủng hoảng kinh tế năm 2008. Sau khi hồi phục vào giai đoạn 2013-2014, Việt Nam có thêm sự tham gia của một số doanh nghiệp Việt như Viettel và FPT.
Việt Nam hiện có hơn 5,5 nghìn kỹ sư thiết kế chip, theo thống kê của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam. Còn theo Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Việt Nam có 1.072 công bố quốc tế liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, 635 công bố liên quan đến vi mạch tính đến hết 2022. Nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel tại TP HCM đã xuất xưởng hơn ba tỷ chip. Hệ sinh thái doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của nhà máy Intel cũng từng bước được hình thành. Các công ty thiết kế vi mạch của Hàn Quốc cũng đi theo Samsung vào Việt Nam như CoAsia tại Hà Nội, Amkor tại Bắc Ninh.
“Quy mô của ngành điện tử Việt Nam đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là trong khâu thiết kế và đóng gói”, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, đánh giá.
Còn ông Kim Huat Ooi, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam, cho hay: “Chúng ta không nên đánh giá thấp vai trò của việc đóng gói và kiểm định. Khi so sánh với thế hệ trước, quá trình sản xuất vi xử lý mới phức tạp hơn rất nhiều”, ông nói.
Tiến bước vào thị trường trăm tỷ USD
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD. Quan trọng hơn, những linh kiện có kích thước nhỏ bé này có thể tìm thấy ở mọi nơi, từ trung tâm dữ liệu, máy tính, tên lửa cho tới máy giặt, và đang trở thành động lực thúc đẩy cho nền kinh tế hàng chục nghìn tỷ USD trên toàn cầu.
Tiềm năng to lớn khiến lĩnh vực bán dẫn trở thành mục tiêu hấp dẫn với nhiều quốc gia. Tuy nhiên theo phân tích của tổ chức CSIS, sự phức tạp của một con chip khiến chưa có quốc gia nào có thể tự sản xuất chip bán dẫn một mình.
Một chip tích hợp (IC) có kích thước một inch vuông, nhưng chứa bên trong là hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ bóng bán dẫn. Để làm ra một sản phẩm như vậy, nhà sản xuất có thể mất từ 4 đến 6 tháng, với hơn 500 giai đoạn khác nhau, từ thiết kế, chế tạo tại nhà máy và lắp ráp, thử nghiệm tại các cơ sở chuyên dụng. Theo ước tính của công ty tư vấn Accenture, các thành phần tạo nên một chip có thể được chuyển qua lại giữa các quốc gia khoảng 70 lần, trước khi có một thành phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đây được đánh giá là cơ hội cho các thị trường mới như Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam với đội ngũ kỹ sư chỉ khoảng 5.000 người vẫn rất nhỏ so với thị trường trăm tỷ USD này.
Để phát triển, Việt Nam có hai con đường: mở rộng thêm mảng sản xuất còn bỏ ngỏ, hoặc nâng cao khả năng và giá trị trong khâu thiết kế và đóng gói.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang ưu tiên cho con đường thứ hai.
Tại buổi làm việc với hai đại học quốc gia sáng 6/9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đang chuẩn bị trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Ông đánh giá “người Việt Nam rất phù hợp thiết kế chip”, và sẽ coi đây là thế mạnh trọng tâm. Hạ tầng quan trọng cần đầu tư cho phát triển công nghiệp bán dẫn là hệ thống các phòng thí nghiệm hàng đầu.
Hai mươi năm theo dõi thị trường bán dẫn tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Yên, quản trị viên Cộng đồng vi mạch Việt Nam, đánh giá việc phát triển nhân lực thiết kế là lựa chọn đúng đắn. “Con số 5.000 kỹ sư không phải lớn nhưng cũng không quá nhỏ, lực lượng này có vai trò quan trọng trong việc đào tạo hướng nghiệp các thế hệ kỹ sư kế tiếp”, ông nói. “Trong ngành chip, kỹ sư thiết kế nắm vị trí quan trọng nhất vì hiểu rõ toàn bộ thiết kế. Nếu Việt Nam tập trung phát triển mạnh đội ngũ này, chúng ta chắc chắn sẽ có những trái ngọt trong 5-10 năm tới”.
Tại hội nghị Hội nghị Cấp cao Việt Nam – Mỹ về Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư sáng 11/9, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, cũng đề xuất Chính phủ đầu tư đào tạo từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia lĩnh vực bán dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành. Trước đó, Đại học FPT đã công bố thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Để làm chip nhưng không cần nhà máy sản xuất, mô hình các công ty Việt có thể theo đuổi là fabless, tức doanh nghiệp đảm nhiệm khâu thiết kế, kinh doanh, nhưng không tự sản xuất, giống như Nvidia, ARM, Qualcomm. Tại Việt Nam, đó là FPT Semiconductor.
Trong khi đó, mảng sản xuất đòi hỏi đầu tư tốn kém, trong khi hệ sinh thái trong nước còn sơ khai. Về sản xuất chip, những đơn vị như TSMC, GlobalFoundries là những tên tuổi đầu ngành. Một nhà máy chip trên quy trình 3 nm của TSMC có thể cần đầu tư 20 tỷ USD. “Sản xuất chế tạo là nói đến bài toán sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, cạnh tranh về chất lượng và giá vô cùng khốc liệt. Sẽ rất rủi ro nếu không có giai đoạn chuẩn bị từ trước”, ông Yên đánh giá.
Thách thức nhân lực
Các chuyên gia cho rằng nhân lực lĩnh vực bán dẫn là thách thức với Việt Nam trong việc nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng chip.
Cũng trong cuộc họp ngày 6/9, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn thống kê ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Thực tế, nhân sự lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 500 kỹ sư mỗi năm, theo báo cáo của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Yên, nhân lực kỹ thuật trong nước chủ yếu đang làm cho công ty nước ngoài. Kỹ sư Việt có nhiều người giỏi, nhưng đặc thù là giỏi ở từng khâu, từng công đoạn, trong khi Việt Nam chưa xuất hiện đội ngũ ở mức tổng công trình sư. “Vị trí của chúng ta là nơi cung cấp nhân lực phục vụ từng khâu trong mảng thiết kế chip, chưa ở mức độ có thể cung cấp đông đảo đội ngũ thiết kế hoàn chỉnh và thương mại hoá được chip”, ông Yên nói.
Ngoài ra, lĩnh vực này có đặc thù là khá “bảo thủ” và đề cao kinh nghiệm. Dẫn ví dụ với ngành IT, ông Yên cho biết khi một phần mềm gặp lỗi sai có thể sửa và vá nhanh chóng. Nhưng thiết kế chip, lỗi sẽ phải trả giá bằng nhiều triệu USD và thời gian để khắc phục tính bằng đơn vị năm. Do đó, các kỹ sư mới ra trường chưa tích lũy đủ kinh nghiệm cần thiết, chưa được tin tưởng giao các công việc chính yếu.
“Sự thiếu hụt nhân sự không phải là nói tới thiếu hụt nhân sự mới, mà cần làm sao giải được bài toán để các công ty sẵn sàng mở rộng việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường”, ông đánh giá.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất ý tưởng giảm thuế cho nhân sự trong ngành để thu hút chuyên gia đang làm việc ở nước ngoài về. Trong 5-7 năm tới, Việt Nam cần xuất hiện các công ty nội địa làm chip dạng fabless có chỗ đứng ở thị trường.
Theo nhà phân tích Ivan Lam của Counterpoint Research, Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước châu Á khác như Singapore và Malaysia, dù một số doanh nghiệp trong nước như Viettel, FPT đã tiến hành R&D và phát triển chipset của riêng họ.
“Đầu tư nhất quán vào giáo dục, hỗ trợ ngành công nghiệp, hợp tác quốc tế và tích lũy sở hữu trí tuệ rất quan trọng để vượt qua thách thức này”, Ivan Lam nói. “Với nỗ lực của chính quyền Việt Nam, sự tham gia của các doanh nghiệp địa phương và sự hợp tác của các hãng chip toàn cầu, lĩnh vực bán dẫn Việt Nam có tiềm năng phát triển trong dài hạn”.
Lưu Quý
(theo VnExpress)