Trí Tuệ Nhân Tạo Không Thông Minh Như Tưởng, Nhưng Vẫn Nguy Hiểm

Trí tuệ nhân tạo giờ đã thông minh đến mức nào? Và tốc độ tiến triển của công nghệ này ra sao? Đây là những câu hỏi khiến cho các nhà chính trị gia, các nhà kinh tế, và cả những nhà nghiên cứu phải mất nhiều đêm mất ngủ. Và câu trả lời cho vấn đề này rất quan trọng – bởi không chỉ góp phần nâng cao sự hiểu biết của công chúng, nó cũng sẽ giúp cho xã hội và chính phủ tìm các ứng phó với công nghệ này trong những năm tới.

Một báo cáo mới từ các chuyên gia tại MIT, đại học Standford, OpenAI, và một số các tổ chức khác đã cố gắng giải đáp vấn đề này. Chỉ số AI Index đã được xuất bản trong tuần này, và bắt đầu nói với độc giả là về cơ bản, chúng ta vẫn còn khá mù mờ trong việc ước lượng được năng lực thật sự của trí tuệ nhân tạo. AI Index đưa ra hai luận điểm chính: Trước hết, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo giờ đang phát triển hơn bao giờ hết. Ngành này đang thu hút nhiều tiền của và trí tuệ của con người với một tốc độ đáng kinh ngạc. Và thứ hai, mặc dù trí tuệ nhân tạo đã có khả năng thay thế con người để đảm nhận một số nhiệm vụ, công nghệ này vẫn còn hạn chế về mặt trí tuệ thông thường.

Raymond Perrault, một nhà nghiên cứu tại SRI International, người đã giúp biên soạn báo cáo, nói với The New York Times: “Công chúng nghĩ rằng chúng tôi có thể làm nhiều thứ hơn những gì chúng tôi có thể làm bây giờ.”

Chỉ số AI Index đã xem xét một số cách để đo lường tiến bộ trong ngàng này, bao gồm “khối lượng hoạt động” và “hiệu quả kỹ thuật”. Chúng ta có thể xem một số thống kê về các chỉ số trong ngành, ví dụ như lượng người tham dự hội nghị, cho đến ghi danh lớp, đến lượng đầu tư mạo hiểm và startup liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Nhìn vào biểu đồ, ta có thể thấy các chỉ số đều đang đi lên.

 Các chỉ số trong ngành đều đi lên cho thấy con người ngày càng quan tâm đến trí tuệ nhân tạo

Các chỉ số trong ngành đều đi lên cho thấy con người ngày càng quan tâm đến trí tuệ nhân tạo

Các yếu tố khác, như “hiệu quả kỹ thuật”, đo lường khả năng của trí tuệ nhân tạo để đảm nhận các công việc của con người, như nhận dạng các đối tượng trong hình ảnh và giải mã lời thoại. Nhờ vào những chỉ số này, chúng ta có thể hình dung tốt hơn về khả năng của trí tuệ nhân tạo.

Hiện tại đã có rất nhiều nhiệm vụ mà trí tuệ nhân tạo đã có thể làm tốt tương đương, thậm chí là tốt hơn con người. Những nhiệm vụ này bao gồm xác định các đối tượng thông thường trong một hình ảnh (trên một cơ sở dữ liệu thử nghiệm, ImageNet, con người mắc lỗi 5%, trong khi máy móc chỉ mắc lỗi 3%), và chuyển ngữ (trong năm 2017 đã có một số các hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng ghi chép hội thoại tốt như con người). Ngoài ra, có một số trò chơi cũng đã bị trí tuệ nhân tạo chinh phục, chẳng hạn như trò Jeopardy, một số game trên hệ máy Atari như Pac-Mac và Go.

Tuy nhiên theo bài báo cáo, các số liệu này chỉ cho chúng ta nhìn thấy một phần về trí thông minh của máy móc. Ví dụ như, hệ thống tính điểm rõ ràng trong trò chơi điện tử có thể giúp các nhà khoa học dễ dàng đào tạo các trí tuệ nhân tạo, và đồng thời giúp họ đánh giá và so sánh các cách tiếp cận khác nhau. Nhưng điều này sẽ giới hạn những gì chúng ta có thể khai thác được từ trí tuệ nhân tạo. Trong những game mà trí tuệ nhân tạo đã có thể vận hành tốt, máy tính có thể thấy được mọi thứ đang diễn ra – một đặc tính mà các nhà khoa học gọi là “thông tin hoàn hảo”. Trong trường hợp mà chúng ta không có “thông tin hoàn hảo”, hay khi mà máy móc không thể thấy trước được những gì đang diễn ra, chẳng hạn như khi máy móc phải đảm nhiệm vận hành quản lý cơ sở hạ tầng của thành phố, chúng ta không thể biết được các trí tuệ nhân tạo có khả năng xử lý đến mức nào. (Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã bắt đầu cho trí tuệ nhân tạo chơi các game có thể phản ánh được những thách thức này, ví dụ như Dota).

 Ai cũng biết là trí tuệ nhân tạo nhiều khi vẫn hơi...ngu. Không phải lúc nào Alexa hay Siri cũng trả lời được câu hỏi của bạn

Ai cũng biết là trí tuệ nhân tạo nhiều khi vẫn hơi…ngu. Không phải lúc nào Alexa hay Siri cũng trả lời được câu hỏi của bạn

Một số vấn đề tương tự cũng xuất hiện trong các tác vụ như chuyển mã âm thanh. Trí tuệ nhân tạo có thể viết xuống các cuộc đối thoại đã ghi âm lại chính xác như con người, nhưng nó không thể đánh giá được những lời cợt nhả, xác định được những trò đùa, hay giải thích được hàng triệu những mẩu ngữ văn hoá khác để có thể hoàn toàn hiểu được một cuộc trò chuyện bình thường nhất. Chỉ số AI Index thừa nhận vấn đề này, và cho biết thêm rằng vấn đề lớn hơn ở đây là chúng ta thậm chí không có một cách thức nào để đánh giá được sự hiểu biết về trí khôn thường thức của máy móc. Trái với một số lời truyền thông về trí tuệ nhân tạo, hiện chưa có bài kiểm tra IQ nào cho máy tính cả.

Liệu phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta sẽ không phải lo lắng về tác động của trí tuệ nhân tạo với xã hội nữa? Câu trả lời là không hề. Mặc dù các hệ thống trí tuệ nhân tạo tân tiến nhất của chúng ta bây giờ còn ngu hơn cả chuột (theo như người trưởng bộ phận trí tuệ nhân tạo của Facebook, Yann LeCun), điều này không có nghĩa là trí tuệ nhân tạo sẽ không có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là trong công việc.

Đầu tuần này, một nghiên cứu do công ty tư vấn McKinsey xuất bản cho thấy có tới 800 triệu việc làm trên khắp thế giới có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc trong vòng 12 năm tới. Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu chỉ rõ rằng chỉ có 6% các công việc vặt vãnh và lặp đi lặp lại mới có nguy cơ bị tự động hoá hoàn toàn. Đối với các công việc còn lại, chỉ một phần việc mới bị thay thế bởi máy móc. Ở những việc như thế này, trí tuệ nhân tạo sẽ thực sự có tác động. Tuy nhiên vẫn còn rất khó để nói trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động như thế nào.

Nếu máy móc có thể đảm nhận một phần ba công việc của bạn, điều gì sẽ xảy đến tiếp? Liệu bạn có được huấn luyện để đảm nhận những công việc mới, hay sếp sẽ sa thải bạn? Hay liệu bạn có bị trừ lương không? Liệu bạn có đủ tiền để được đào tạo lại không, hay bạn sẽ bị buộc phải thắt lưng buộc bụng do chi tiêu bị e hẹp lại?

Việc tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này là thực sự khó khăn. Nó cũng phản ánh những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong việc hiểu sâu hơn về những mối đe doạ từ trí tuệ nhân tạo. Chẳng hạn như, mặc dù chúng ta sẽ không phải lo lắng về việc trí tuệ nhân tạo sẽ áp đảo con người trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải xem xét cách mà những trí tuệ nhân tạo đang được xử dụng như thế nào trong ngành y tế, giáo dục, và ngành công lý tội phạm. Cả AI Index và nghiên cứu của McKinsey đều đưa ra kết luận rằng, những câu hỏi như thế này cần phải được xem xét kỹ nếu như con người muốn kiếm soát được những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Khi máy móc trở nên thông minh, chúng ta không thể ngờ nghệch được.

Theo Genk

đánh giá