Đây là nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội thảo “Định hình và hát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”, sáng 05/12.
6 giải pháp để nước ta bắt kịp xu hướng 4.0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số, Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức to lớn đối với sự phát triển của từng quốc gia, các dân tộc cũng như mỗi cộng đồng, cá nhân và doanh nghiệp. Nhận thức sớm điều này, ngày 04/05/2017, Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã được ban hành. Thủ tướng cho biết, để Việt Nam bắt kịp cuộc CMCN 4.0, cần thực hiện đồng thời 6 giải pháp:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách, pháp luật theo kịp kinh tế số, công nghiệp thông minh.
Thứ hai, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó, công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin đóng vai trò hạ tầng của hạ tầng.
Thứ ba, phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh tế số.
Thứ tư, phát triển hệ thống đối mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành mọi lĩnh vực, có kế hoạch cụ thể và khả thi để phát triển và làm chủ hệ tri thức Việt số hóa, khơi dậy đam mê khát vọng.
Thứ năm, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần chung tay trong đổi mới sáng tạo, chủ động nắm bắt, khai thác có hiệu quả các cơ hội to lớn của CMCN 4.0 mang lại.
Thứ sáu, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là động lực của sự phát triển công nghệ mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiến đời sống. Phát triển doanh nghiệp số được xác định là nhiệm vụ trung tâm, lâu dài để phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng mong muốn nhận được những ý kiến của các đại biểu. Những ý kiến sẽ được tổng hợp để xây dựng chiến lược tổng thể về tiếp cận CMCN 4.0.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc, không thể bỏ lỡ, phát huy lợi thế, phải có ứng xử cởi mở, tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy mô hình mới” – Thủ tướng khẳng định
Hành trình dài luôn bắt đầu từ hành trình ngắn
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, chiến lược 4.0 đã được nhiều nước trên thế giới xây dựng. Không chỉ những nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật, mà một số nước ở châu Phi như Kenya cũng đã ban hành chiến lược 4.0. Trong khu vực, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore cũng đã có chiến lược để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam phải tham gia vào cuộc CMCN 4.0 nếu không muốn phải trả giá đắt về sau này. Mỗi người Việt Nam cần vượt qua tư duy cũ, cách làm cũ trong thời gian ngắn để bắt kịp cuộc cách mạng.
Điều khó khăn đối với Việt Nam là sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền. Có những nơi chỉ đang diễn CMCN 3.0, 2.0,… Tuy vậy, bối cảnh hiện tại đòi hỏi Việt Nam phải bắt kịp 4.0. Do đó, chiến lược sắp được xây dựng cần phải nêu lên từng bước đi phù hợp như Nhật Bản thường nói: “Một hành trình dài luôn bắt đầu từ hành trình ngắn”.
Theo Genk