“Không ai đứng dậy ra về. Không ai muốn kết thúc.” – Đó là không khí kéo dài suốt hơn 2 giờ tối ngày 14/07 vừa qua khi các bạn sinh viên FPT Polytechnic cùng các bạn FPT Jetking và Detech Polytechnic đắm chìm trong talkshow đặc biệt cùng Assoc. Prof. Hanh-Phuc Lê – chuyên gia thiết kế vi mạch hàng đầu từ Đại học California San Diego (UCSD), Mỹ.
“Liều lĩnh” làm chip đầu tiên – Câu chuyện chưa từng kể
Talkshow mở đầu bằng câu chuyện đầy cảm hứng về khởi đầu của thầy Lê: một sinh viên Bách Khoa không có kinh nghiệm thực tế nhưng đã “liều lĩnh” nhận lời làm chip SIMO khi học tại Hàn Quốc. Từ trải nghiệm đó, hàng loạt thiết kế sau này như SC-FIVR và các hệ thống tích hợp chăm sóc sức khỏe ra đời, đánh dấu hành trình bền bỉ, đầy đam mê và không ngại thử thách.

Giáo sư Lê Hạnh Phúc chia sẻ: “Lúc ấy, tôi không còn lựa chọn nào khác. Khi dự án khó bị các tiến sĩ trong nhóm từ chối vì độ phức tạp và rủi ro, tôi – một người mới, chưa có dự án nào – đã lập tức nắm lấy cơ hội. Tôi lao vào làm như điên, ngày làm – đêm chạy mô phỏng, không ngơi nghỉ. Cứ mỗi tối, trước khi ngủ tôi lại nghĩ hôm nay đã làm được gì, mai cần làm gì. Những đêm thứ Năm tôi gần như thức trắng để kịp dữ liệu báo cáo cho công ty vào sáng thứ Sáu. Áp lực từ các deadline không khiến tôi chùn bước, mà ngược lại, càng khiến tôi hăng say hơn. “Môi trường tại Hàn Quốc đã mang đến cho tôi rất nhiều khó khăn, nhưng cũng chính những khó khăn đó đã đặt nền móng cho sự nghiệp của tôi. Nếu không có trải nghiệm một năm ấy, nếu không có con chip đầu tiên đó, sẽ không thể có tôi của ngày hôm nay. Chắc chắn tôi cũng sẽ không có cơ hội được bước chân vào Đại học Tổng hợp California Berkeley – nơi được xem là top đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế chip.”

Mixed-signal IC – Hành trình thiết kế một vi mạch tích hợp hiện đại
Trong phần chia sẻ chuyên môn, diễn giả đã dẫn dắt người nghe khám phá toàn bộ quy trình thiết kế một Mixed-signal IC (PIC) – loại vi mạch kết hợp giữa tín hiệu tương tự và số, được ứng dụng rộng rãi trong thiết bị thông minh, thiết bị đeo, chăm sóc sức khỏe cho đến robot và xe tự hành.

Bắt đầu từ schematic – sơ đồ nguyên lý, thầy hướng dẫn cách xác định và lựa chọn các thành phần quan trọng như transistor, gate driver, ESD cùng phương pháp điều khiển và mô phỏng hoạt động thực tế.
Chuyển sang layout – phần quan trọng không kém trong thiết kế chip, gồm floorplan, thiết kế power switch, power grid, routing – tất cả đều phải được tính toán để đảm bảo tín hiệu và nguồn điện vận hành ổn định, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.
Cuối cùng là xây dựng PCB test – nơi thiết kế mạch in, ứng dụng các công cụ hiện đại để tự động hóa quy trình kiểm thử, từ đó rút ngắn thời gian phát triển và tăng độ chính xác.
Toàn bộ nội dung mang đến cho người nghe không chỉ kiến thức học thuật chính thống mà còn là góc nhìn thực tế từ chính trải nghiệm thiết kế chip của diễn giả – một quá trình đầy thử thách, đòi hỏi độ chính xác cao và sự kiên trì đến tận cùng. Thông điệp xuyên suốt: “Chip nguồn – nhỏ nhưng có võ”, vì nó là “xương sống” của thiết bị điện tử, từ smartphone đến xe tự hành. Thầy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tối ưu năng lượng – yếu tố sống còn trong thiết kế mạch hiện đại
Sinh viên hỏi “cháy” – Diễn giả trả lời không ngơi
Hoạt động Q&A được đánh giá là “đắt giá” khi hàng loạt sinh viên đưa ra câu hỏi mang tính khai mở:
Bạn Dũng – sinh viên FPT Jetking, đặt câu hỏi: “Rất mong thầy chia sẻ về những khó khăn từ thời sinh viên đến khi thành công như hiện tại, và nếu là người mới hoàn toàn thì nên học gì để theo ngành chip?”

Thầy Lê Hạnh Phúc không trả lời bằng một công thức cố định, mà mở đầu bằng sự thấu hiểu:
“Tôi từng nghe một người bạn nói rằng: người thành công thường đưa ra lời khuyên dựa trên trải nghiệm cá nhân – vì họ chỉ biết con đường mà chính họ đã đi. Nghe thì rất hay, vì họ đã thành công, nhưng không có nghĩa bạn phải đi đúng con đường đó. Mỗi người sẽ có hành trình riêng, có khi còn thành công hơn. Nên lời khuyên của tôi cũng chỉ là để tham khảo. Và nếu có một điều tôi thực sự rút ra, thì đó là: khi thấy người khác kêu khó, hãy nghĩ ngay đến cơ hội. Chính những điều khó mới là nơi tạo nên khác biệt. Phần khó mới là nơi tạo nên khác biệt giữa những người dám dấn thân và những người chọn lối đi dễ dàng. Phần khó hơn mới chính là nơi tạo ra sự khác biệt – giữa những người dám dấn thân và những người chọn lối đi dễ dàng. Ai vượt qua được phần khó rồi thì khi quay lại sẽ thấy phần dễ chỉ là bước nhỏ. Vậy nên nếu có thể, hãy chọn phần khó hơn một chút, nỗ lực hơn một chút – vì chính điều đó sẽ mang lại cho bạn phần thưởng xứng đáng.
Bạn Tĩnh (C2408E) quan tâm tới việc chia sẻ kiến thức giữa các kỹ sư: “Thách thức lớn nhất không nằm ở kỹ thuật, mà là thiếu hệ thống hỗ trợ và văn hoá chia sẻ. Ngày nay, với AI và các cộng đồng như Cộng đồng Vi mạch, khoảng cách này đang được rút ngắn. Hãy chủ động đặt câu hỏi, tìm kiếm và đừng ngại khi chỉ có 1–2 người phản hồi – vì chỉ một người có cùng chí hướng cũng có thể mở ra cơ hội thay đổi hành trình của bạn.”
Bạn Nhã quan tâm tới triển vọng ngành bán dẫn ở Việt Nam trong tương lai: “Chúng ta không nên mơ vươn tới công nghệ 1–2nm như các tập đoàn lớn tại các cường quốc trên thế giới. Hãy làm tốt những gì phù hợp với bối cảnh Việt Nam – như thiết kế mạch tích hợp, những công đoạn hậu bán dẫn khác hay những công nghệ gắn với thực tiễn đời sống của người dân, nơi chúng ta có thể tận dụng thế mạnh hiện tại. Đó mới là hướng đi thực tế và bền vững.
Phần Q&A khép lại với những chia sẻ thực tế và đầy cảm hứng – từ hành trình vượt khó, tinh thần học hỏi đến định hướng nghề nghiệp. Những câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc đã mang lại tiếng cười và suy ngẫm, mở ra nhiều kết nối ý nghĩa cho người trẻ trên con đường chinh phục ngành bán dẫn.
Khép lại bằng cảm xúc – Mở ra hành trình mới cho người trẻ

Kết thúc talkshow, chị Phương Anh – Phó Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế FPT đã thay mặt nhà trường gửi lời cảm ơn đến diễn giả và chia sẻ: “Đây là một cơ hội rất đặc biệt mà không dễ gì các bạn sinh viên có thể trải nghiệm lần thứ hai. Assoc. Prof. Hanh-Phuc Lê đã dành thời gian quý báu trong chuyến công tác về thăm nhà để đến đây, chia sẻ tận tâm và đầy cảm hứng. Hy vọng rằng, lần sau khi gặp lại thầy, sẽ là ở một nơi khác – nơi mà các bạn đã tốt nghiệp, trưởng thành, và bắt đầu tự viết nên hành trình của riêng mình. Buổi talkshow hôm nay không chỉ mang lại kiến thức mà còn là một món quà tinh thần quý giá dành cho tất cả chúng ta.”
Hơn cả một talkshow, là sự khởi đầu gieo cảm hứng cho hành trình dài
Talkshow cùng GS. Hạnh-Phúc Lê không chỉ mang đến kiến thức chuyên sâu về công nghệ chip mà còn lan toả tinh thần học hỏi, tư duy độc lập và cảm hứng dấn thân cho thế hệ trẻ. Từ những câu chuyện đời thực đến phần giao lưu chân thành, chương trình đã mở ra những kết nối giá trị – tiếp thêm động lực để sinh viên vững tin theo đuổi hành trình trong lĩnh vực công nghệ cao.
Xin trân trọng cảm ơn GS. Hạnh-Phúc Lê vì những chia sẻ tâm huyết, sâu sắc và truyền cảm hứng đến đến thế hệ sinh viên Việt Nam. Nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực tạo ra nhiều không gian học tập chất lượng và giàu cảm hứng như thế – để mỗi cuộc gặp gỡ đều trở thành một cơ hội khơi mở tri thức, kết nối thực tiễn và vững vàng hơn trên hành trình nghề nghiệp phía trước.
Huyền Tomato – Hoàng Yến – Phòng Quan hệ doanh nghiệp