Hybrid working là mô hình làm việc kết hợp, trong đó nhân viên có thể vừa làm việc ở văn phòng và làm việc tại nhà qua hình thức online. Từ cuối năm 2021, trong bối cảnh bình thường mới hậu Covid-19, hybrid working được nhắc đến nhiều hơn như một xu thế toàn cầu. Theo khảo sát từ Deloitte, 65% người tham gia tin năng suất lao động của họ tăng lên đáng kể từ khi làm việc từ xa. 77% người lao động trong số đó mong muốn sự linh hoạt ở nơi làm việc.
Làm nhiều hơn dù ít lên văn phòng
Theo khảo sát từ Deloitte, 65% người tham gia tin năng suất lao động của họ tăng lên đáng kể từ khi làm việc từ xa. 77% người lao động trong số đó mong muốn sự linh hoạt ở nơi làm việc.
Còn theo khảo sát năm 2021 của Wakefield, 47% nhân viên tham gia cho biết sẽ cân nhắc những cơ hội công việc mới trong trường hợp công ty hiện tại không áp dụng mô hình hybrid working.
Ở chiều ngược lại, một nghiên cứu từ CBRE cho thấy 87% công ty lớn có trên 10.000 nhân viên khẳng định sẽ áp dụng mô hình hybrid working trong tương lai.
Tại TP.HCM, khi đòi hỏi cân bằng công việc – cuộc sống ngày càng tăng và các cuộc tranh luận về thời gian làm việc 4 ngày/tuần trở nên sôi nổi, nhiều công ty cũng bắt đầu thử nghiệm và áp dụng hybrid working.
Từ đầu tháng 7, công ty của Nguyễn Ngọc Vân Anh (sinh năm 1996) cho phép nhân viên được work from home một tuần/tháng. Nếu tính cả ngày nghỉ cuối tuần, hiện cô chỉ lên văn phòng khoảng 14-15 ngày/tháng.
Nữ nhân viên văn phòng rất hào hứng với chính sách mới của công ty. Trước mắt, cô cảm thấy mình được trao quyền lựa chọn nơi làm việc ưa thích, từ nhà riêng, quán cà phê cho đến địa điểm du lịch.
Không chỉ vậy, mô hình làm việc kết hợp giúp Vân Anh tiết kiệm thời gian và cả tiền bạc. Thay vì mắc kẹt trên đường vào giờ cao điểm, giờ đây, cô có thể tự nấu ăn buổi sáng, đạp xe đến lớp học yoga gần nhà vào chiều tối.
“Trong thời kỳ vật giá leo thang hiện nay, mỗi ngày làm việc ở nhà là một ngày được tiết kiệm. Cụ thể tháng này, tôi tiết kiệm được khoảng 100.000 đồng tiền xăng xe, hơn 1 triệu đồng tiền ăn uống, 1 triệu đồng mua sắm quần áo”, Vân Anh nói với Zing.
Tự đánh giá hiệu suất làm việc của bản thân trong tháng đầu tiên làm việc theo mô hình này, Vân Anh cảm thấy hiệu suất lao động cao hơn 50% so với hình thức làm việc hoàn toàn tại văn phòng.
“Lý do là tôi hoàn toàn chủ động về không gian, thời gian làm việc, có thể tránh xa những yếu tố gây xao nhãng như tiếng ồn trong văn phòng và thư giãn ngắn để tái tạo năng lượng khi cần. Công việc của tôi đòi hỏi sự sáng tạo, chủ động nên việc thay đổi không gian thật sự rất cần thiết”.
Dù thừa nhận khi work from home bản thân có xu hướng làm việc nhiều hơn lúc ở văn phòng, Vân Anh vẫn hoàn toàn hài lòng với điều đó.
“Tôi thấy thoải mái hơn do tìm được nhiều cảm hứng và dễ dàng điều khiển mọi thứ theo mong muốn của mình”, cô chia sẻ.
Thử thách quản lý công việc
Theo quan sát của Cao Sáng (25 tuổi), marketing manager, mô hình kết hợp làm việc từ xa và tại văn phòng tạo ra tính linh hoạt và sự hiệu quả với cả người lao động lẫn doanh nghiệp.
Sáng mới tham gia vào hình thức hybrid working khoảng 2 tháng nay. Thay vì có mặt toàn thời gian ở công ty, anh và nhân viên của mình chỉ phải lên văn phòng để họp, nhận nhiệm vụ 2 ngày/tuần. Thời gian còn lại, anh cùng chiếc laptop đến quán cà phê làm việc.
“Hiện tại có nhiều công cụ dành cho truyền thông và quản lý dự án nên việc kiểm tra đầu ra của công việc không còn khó. Lúc trước, khái niệm này còn mới mẻ nên những nhân sự theo mô hình kết hợp đều bị giảm 10-20% lương. Nhưng giờ tôi thấy điều đó đã không còn”, Cao Sáng chia sẻ.
Bên cạnh tính linh hoạt khi chọn không gian làm việc, anh cho biết hình thức nửa từ xa, nửa trực tiếp giúp nhân viên có thêm thời gian để nhận nhiều dự án khác nhau.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thử thách cho các quản lý trong việc giám sát đội ngũ của mình.
“Làm việc từ xa đòi hỏi tính tự giác cao và mỗi người phải tự đặt trách nhiệm cho bản thân. Đôi lúc tôi cũng gặp khó khăn khi nhân sự không sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hồi âm cấp trên. Ngoài ra, hybrid working cũng tạo ra bất cập cho những người không rành về công nghệ, dẫn đến các vấn đề trong việc giao tiếp với đồng nghiệp ở nhiều độ tuổi khác nhau”, Sáng nói thêm.
Anh cho rằng những ngành nghề liên quan đến sáng tạo hoặc chuyên về công nghệ cần nguồn cảm hứng và không gian làm việc cởi mở có thể phù hợp với mô hình lai. Theo Sáng, hybrid working không thể hiện hết năng lực và kỹ năng của nhân viên nhưng sẽ góp phần đánh giá thái độ làm việc, tính chuyên cần, trách nhiệm.
Thường xuyên làm việc với đội ngũ ở nước ngoài, họp trực tuyến qua ứng dụng gọi video, mô hình hybrid working đã trở nên quen thuộc với Bảo Trân (22 tuổi, quận Tân Phú), trợ lý vận hành, và các đồng nghiệp.
Công ty Trân không phân chính sách, quy định rạch ròi giữa hybrid và fulltime mà chia sẻ quyền lợi đồng đều cho mọi nhân viên. Mỗi tuần cô dành 2 ngày đến văn phòng để trao đổi, báo cáo công việc. 3 ngày còn lại, Trân có thể làm từ xa miễn đảm bảo tiến độ của dự án.
“Từ ngày được tự do chọn hình thức làm việc, tôi thấy thoải mái hẳn vì vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại vừa có thể linh động xử lý các nhiệm vụ. Thế nhưng, mô hình này chỉ phù hợp với những ngành ít phải tương tác trực tiếp để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Còn lại như làm đẹp, spa, giao hàng… thì khó có thể thích ứng”, Trân nói.
Để không tạo ra khoảng cách giữa các nhân viên và phòng ban, công ty Trân thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động kết nối qua nền tảng trực tuyến. Nhờ vậy, công việc cũng diễn ra thuận lợi hơn, không team nào bị tách khỏi tập thể.
“Tùy theo tính chất và chuyên môn của từng mảng mà cách đánh giá tính hiệu quả cũng sẽ thay đổi hoặc giữ nguyên so với hình thức truyền thống. Tuy nhiên, hybrid working cũng mở ra nhiều cơ hội cho các công cụ hiện đại, áp dụng AI để thay con người thống kê dữ liệu. Việc thích nghi chỉ còn là vấn đề thời gian”, Trân chia sẻ.
Phương Thảo – Huệ Lâm
(theo Zing)
Tổ Chức Giáo Dục FPT – fpt.edu.vn
Hệ Thống Đào Tạo An Ninh Mạng Quốc Tế FPT Jetking – jetking.fpt.edu.vn
Hệ Thống Đào Tạo Quản Trị Hệ Thống Và An Ninh Mạng Quốc Tế FPT Jetking là đơn vị liên kết giữa Trường Đại học FPT và Học viện Jetking của Ấn Độ. Jetking là Học viện chuyên đào tạo Phần cứng máy tính và Mạng số 1 của Ấn Độ đã có 74 năm kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực CNTT.
FPT Jetking là nơi đào tạo ngành Quản trị hệ thống và An ninh mạng duy nhất trong tổ chức giáo dục FPT với hơn 10 năm kinh nghiệm tại Việt Nam.