Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên trong ngành chip bán dẫn trong 5 năm tới là khoảng 20.000 người; trong 10 năm tới khoảng 50.000 người.
Ngày 17-10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về sự chuẩn bị cho việc đào tạo nguồn nhân lực ngành chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin, hiện nay, có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến thời gian tới, nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng hơn.
Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực này trong 5 năm tới là khoảng 20.000 người; trong 10 năm tới khoảng 50.000 người.
Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, những năm qua, Việt Nam đã có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông, các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Hiện nay, các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn – vi mạch.
Về hình thức đào tạo, việc đào tạo có thể tuyển mới từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn – vi mạch. Căn cứ tình hình thực tế, học sinh, sinh viên có thể lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp.
Trước câu hỏi về giải pháp nào để thu hút được sinh viên vào ngành học mới và khắt khe này, bà Nguyễn Thu Thủy nhận định, thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn – vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 3 nhóm chính sách gồm: Hỗ trợ, khuyến khích người học (học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi… ); hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu (năng lực đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm, công cụ phần mềm thực hành, thí nghiệm và mô phỏng); khuyến khích, thúc đẩy hợp tác đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì xây dựng hai đề án liên quan để trình Thủ tướng vào cuối năm nay, gồm đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao và đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0.
Thống Nhất
(theo Hà Nội Mới)