Ngày 24/05/2025, tại cơ sở 391A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TPHCM, FPT Jetking đã tổ chức thành công workshop “Thiết kế vi mạch cho người mới – Ứng dụng công cụ EDA”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động định kỳ nhằm trang bị kiến thức nền tảng và kỹ năng thực hành thực tế cho những ai đang quan tâm đến lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam.
Đây không chỉ là một buổi học lý thuyết, mà còn là trải nghiệm trực tiếp với các công cụ EDA chuyên dụng như Cadence Virtuoso, Tanner hay Synopsys – những phần mềm đang được sử dụng phổ biến tại các doanh nghiệp thiết kế vi mạch trong và ngoài nước.
Cận cảnh hoạt động tại workshop
Buổi Workshop “Thiết kế vi mạch cho người mới: Ứng dụng công cụ EDA” do FPT Jetking tổ chức đã chính thức khép lại, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho tất cả những ai tham gia. Sự kiện thu hút đông đảo các bạn học sinh, sinh viên và cả những người đã đi làm, nhưng đều có chung một niềm đam mê cháy bỏng với lĩnh vực vi mạch.
Trong phần chia sẻ chuyên môn, người tham dự được giới thiệu tổng quan về hệ sinh thái công cụ EDA và quy trình thiết kế IC hiện đại: từ vẽ sơ đồ nguyên lý (schematic), mô phỏng (simulation), layout, kiểm tra thiết kế (DRC) đến kiểm tra tính tương thích (LVS) và chuẩn bị tape-out. Những khái niệm kỹ thuật tưởng chừng phức tạp được trình bày một cách dễ hiểu bởi đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm như thầy Trương Huy Hoàng và thầy Nguyễn Ngọc Tiền – chuyên gia Cadence.

Điểm nổi bật của workshop chính là phần thực hành trực tiếp. Dưới sự hướng dẫn tận tình của Thầy Trường Huy Hoàng và Thầy Nguyễn Ngọc Tiền, người tham gia được thao tác trên phần mềm thật: từ thiết kế mạch Inverter, Full Adder đến thực hành layout cổng NAND và chạy kiểm tra DRC/LVS. Đây là trải nghiệm hiếm có đối với người mới bước vào ngành hoặc đang tìm hiểu về vi mạch.
Định hướng nghề nghiệp rõ ràng và cảm hứng học tập mạnh mẽ
Thông qua workshop, các bạn trẻ đã có dịp hiểu rõ hơn về các vị trí công việc trong lĩnh vực thiết kế IC tại Việt Nam, từ thiết kế front-end đến layout back-end. Sự kiện cũng mở ra góc nhìn mới về tiềm năng phát triển của ngành bán dẫn trong bối cảnh Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến chiến lược của nhiều tập đoàn công nghệ lớn.
Nhiều bạn sinh viên kỹ thuật và người đi làm đã bày tỏ mong muốn được học tập chuyên sâu hơn, đồng thời đánh giá cao tính thực tế của chương trình. Những câu hỏi liên tục được đặt ra xoay quanh lộ trình học tập, cơ hội nghề nghiệp và cách xây dựng kỹ năng thực chiến trong ngành.

Tín hiệu tích cực từ cộng đồng học viên yêu thích vi mạch
Không khí lớp học diễn ra sôi nổi, gắn kết và đầy cảm hứng. Các học viên bước đầu tuy còn bỡ ngỡ nhưng đều hoàn thành phần thực hành dưới sự hướng dẫn sát sao của giảng viên. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ được tiếp cận thực tế với công cụ Cadence – điều mà trước đây họ chỉ từng đọc trong tài liệu.
Một sinh viên năm ba ngành kỹ thuật điện tử chia sẻ rằng workshop đã giúp bạn hình dung cụ thể các công đoạn trong thiết kế IC và xác định rõ con đường học tập sắp tới. Một học viên đang tự học chuyển ngành cũng bày tỏ sự hứng thú khi lần đầu được trực tiếp thực hiện kiểm tra DRC/LVS.
Workshop “Thiết kế vi mạch cho người mới – Ứng dụng công cụ EDA” không chỉ là sự kiện kỹ thuật, mà còn là cầu nối giữa những người đam mê và cộng đồng thiết kế vi mạch đang hình thành tại Việt Nam. Theo thầy Nguyễn Ngọc Tiền, sự chủ động và hào hứng của các bạn trẻ là tín hiệu tích cực cho thế hệ kỹ sư thiết kế vi mạch tương lai.
FPT Jetking kỳ vọng đây sẽ là nền móng để xây dựng những chương trình đào tạo chuyên sâu hơn, giúp người học phát triển từ căn bản đến nâng cao, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Đừng quên theo dõi fanpage FPT Jetking để không bỏ lỡ những workshop tiếp theo. Mỗi sự kiện là một cơ hội để bạn tiếp cận thực tế, học hỏi từ chuyên gia và từng bước khẳng định vị trí trong ngành thiết kế vi mạch đầy tiềm năng.
Xem lại những hình ảnh tại workshop đã diễn ra qua lăng kính FPT Jetking nhé:
Giảng viên Trương Huy Hoàng