Hành trình tìm kiếm “chân trời” mới với ngành Chip Design của một Designer

34 tuổi, bắt đầu dấn thân theo đuổi một ngành học mới mẻ như Thiết kế vi mạch liệu có nên hay không? Đó là trăn trở của anh Thế Anh, một Designer mảng tranh nội thất khi nhìn thấy cơ hội lớn với ngành Chip Design.

ngành Chip Design 1
Anh Thế Anh – Tân sinh viên lớp C2408E ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn quốc tế tại FPT Jetking

Từ đầu năm 2024 đến nay, khi được nghe và theo dõi rất nhiều thông tin về tiềm năng ngành Chip Design tại Việt Nam, anh Thế Anh nghĩ đây sẽ là một con đường mới, hướng đi mới giúp anh thay đổi công việc hiện tại, anh chia sẻ:

“Mình vô tình biết đến mảng này khi xem thời sự và rồi một lần lướt mạng xã hội thấy buổi talkshow giữa các “cây đa cây đề” của ngành Chip tại Việt Nam và với anh Hoàng Nam Tiến. Mọi thông tin đến với mình là Việt Nam đang thiếu nhân sự cho mảng này để cạnh tranh cũng như phát triển kinh tế nên mình đã tìm hiểu thử. Mình có xem một số đơn vị thì thấy FPT Jetking có tổ chức đào tạo từ con số 0, cộng với uy tín và tên tuổi của FPT nên mình đã quyết định thử sức ở một môi trường mới. Bước đầu tiên là FPT Jetking”.

Theo Báo điện tử Chính phủ, vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2030) sẽ thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển. Mục tiêu đến giai đoạn 2 (2030 – 2040), Việt Nam sẽ có 100.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực bán dẫn. Đây chính là thời điểm vàng để các bạn trẻ yêu thích, mong muốn dấn thân nghề Chip có thể bắt tay ngay vào việc tìm hiểu và theo học ngành này.

ngành Chip Design 2
Tập thể lớp C2408E ngành Thiết kế vi mạch tại FPT Jetking

Trở thành sinh viên FPT Jetking ở độ tuổi 34, những ngày đầu học ngành Chip Design với anh Thế Anh quả thực không dễ như tưởng tượng. Anh tâm sự: “Mảng thiết kế vi mạch thật sự là “rất khó” từ việc hiểu, nhớ và thực hành đối với những người không có tí kiến thức nào về Công nghệ thông tin, lập trình như mình cả. Giảng viên tại FPT sẽ đóng vai trò là người chia sẻ và truyền đạt kiến thức, rất nhiệt tình theo sát sinh viên và sẵn sàng dừng bài để giải đáp cũng như chỉ lại cho các bạn hiểu hơn. Đây là điểm khác biệt giữa học ở FPT Jetking và học Đại học thông thường”.

Sáng đi làm, tối đi học, thời gian làm và học khá thoải mái nên thời gian đầu tân sinh viên FPT Jetking không gặp quá nhiều khó khăn. Ở lớp C2408E, một lớp học đa dạng độ tuổi, từ các các anh chị 8x, 9x đến các bạn 2k5, ở mọi lĩnh vực từ sinh viên, kỹ sư mạng, kiến trúc sư, HR, Data engineer,…, anh Thế Anh đã xung phong làm lớp trưởng để dễ dàng hòa nhập và có cơ hội kết nối với các bạn trong lớp nhiều hơn.

ngành Chip Design 3
Anh Thế Anh (áo đen) xung phong trở thành lớp trưởng lớp C2408E – ngành Chip Design

Chia sẻ về dự định tương lai khi theo đuổi ngành học mới, anh Thế Anh nói: “Dù tuổi cũng không còn trẻ và nhiều thời gian như các bạn sinh viên khác nhưng quyết định tham gia học ngành Chip Design tại FPT Jetking mình rất mong muốn sau này sẽ có một hướng đi mới, một trải nghiệm mới với những kiến thức mới. Vị trí công việc sau này tất nhiên là rất muốn được đặt chân đến làm cho FPT nhưng có lẽ là chuyện của sau này, vì mình biết mình đang còn thiếu rất nhiều kiến thức, kỹ năng và cũng cần thời gian để học hỏi trau dồi thêm nhiều nữa. Mức lương thì thôi, khẳng định được mình thì mới có mức lương mình mong muốn được. Chứ mới tập bò đã muốn mua giày patin là dễ “sấp mặt” lắm”.

Hy vọng rằng, hành trình dấn thân nghề Chip, khởi đầu với 2 năm học tại FPT Jetking sẽ là bước đệm vững chắc giúp anh Thế Anh có thêm một công việc mong ước, và tiến xa hơn trong ngành Công nghiệp bán dẫn đầy tiềm năng này.

đánh giá