Đào tạo ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch giải “cơn khát” nhân lực chất lượng cao.

Việc đầu tư phát triển đào tạo kỹ sư có kiến thức, trình độ cao trong ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch là cần thiết cho sự hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch có tên tiếng Anh là Integrated circuit design hay VLSI design. Đây là một ngành nghề chuyên nghiên cứu, phát triển và chế tạo các chip điện tử, còn gọi là mạch tích hợp (IC – Integrated Circuit).

Với các quốc gia phát triển công nghiệp, ngành này có vai trò rất quan trọng, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam cũng rất cần đến các nhân lực chất lượng cao của ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch.

Tuy nhiên, hiện tại, số lượng sinh viên được đào tạo ngành này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn nhân lực. Đó cũng là lý do nhiều trường về công nghệ thông tin đang đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực này. Năm học 2023 – 2024, Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành học này.

Đào tạo kỹ sư Kỹ thuật thiết kế vi mạch là cấp thiết

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn Thành phố Hồ Chí Minh (HSIA), từ năm 2019 đến nay, mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch.

Trong đó, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 53% nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực vi mạch không chỉ gói gọn trong thị trường nội địa mà còn thu hút được các thị trường ở các khu vực xung quanh Việt Nam, đặc biệt là Singapore.

Trong những năm vừa qua, đối với lĩnh vực liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn, số lượng các doanh nghiệp lớn trên thế giới mở cơ sở và trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy một sự dịch chuyển mạnh mẽ về đầu tư của các doanh nghiệp vi mạch trên thế giới vào Việt Nam trong tương lai gần.

“Do đó, việc đầu tư phát triển đào tạo kỹ sư có kiến thức, trình độ cao trong ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch là cần thiết cho sự hội nhập quốc tế và nắm bắt cơ hội phát triển của sự dịch chuyển nghề nghiệp này.

Tuy đã có nhiều chủ trương và kế hoạch để phát triển lĩnh vực công nghệ vi mạch tại Việt Nam, nhưng nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp vẫn còn khá thấp so với nhu cầu đặt ra trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần.

Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức nền tảng và kỹ năng chuyên sâu về thiết kế vi mạch là cấp thiết”, Tiến sĩ Khang cho hay.

Năm học 2023 – 2024, Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch. Ảnh: NTCC

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cũng chia sẻ về nội dung học thiết kế vi mạch của trường cũng như việc thực hành của sinh viên tại các doanh nghiệp: “Sinh viên ngành Thiết kế vi mạch của Trường Đại học Công nghệ thông tin được học kiến thức cơ sở ngành bán dẫn, điện tử, máy tính, công nghệ thông tin và chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch, cùng kiến thức về kỹ năng mềm khác.

Tốt nghiệp, sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch.

Ngoài ra, để tham gia các dự án tại doanh nghiệp, sinh viên còn được học kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế, mô phỏng và đánh giá kiểm tra từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens (Mentor Graphics), Xilinx”.

Đào tạo đáp ứng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và chế tạo chip

Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh mục tiêu của Nhà trường là đào tạo ra các kỹ sư có sự am hiểu sâu sắc với trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực vi mạch, giúp giải “cơn khát” nhân lực chất lượng cao ngành này.

Ngành công nghiệp bán dẫn và chế tạo chip, linh kiện điện tử đang phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: NTCC

Với việc mở chương trình và tăng cường chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn và chế tạo chip, linh kiện điện tử. Thực hiện được việc này, hi vọng Việt Nam sẽ trở thành 1 trung tâm thiết kế chip mới của thế giới trong tương lai.

Nói về cơ hội việc làm và mức lương của ngành này, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang thông tin: Trong giai đoạn gần đây, nhu cầu vị trí kiểm tra, kiểm thử thiết kế và lĩnh vực liên quan đến thiết kế vật lý đang tăng cao. Ngoài ra, các công việc liên quan đến thiết kế logic, thiết kế số cũng thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp.

Về mức lương kỹ sư thiết kế vi mạch có kinh nghiệm dưới 1 năm sẽ có mức lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Kỹ sư thiết kế vi mạch có kinh nghiệm làm việc từ 1 – 3 năm sẽ có mức lương giao động từ 15 – 30 triệu đồng/1 tháng.

Kỹ sư thiết kế vi mạch có kinh nghiệm từ 3 – 6 năm sẽ có mức lương trung bình từ 30 – 50 triệu đồng/tháng.

Kỹ sư trên 6 năm kinh nghiệm có mức thu nhập năm trung bình từ 600 triệu – 1 tỷ đồng. Những kỹ sư trên 10 năm kinh nghiệm sẽ có mức lương cao trên 1,5 tỷ đồng / năm.

Tỷ lệ tăng lương mỗi năm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành thiết kế vi mạch khoảng 10% (trên 75% phản hồi dựa theo khảo sát từ các kỹ sư làm việc tại 50 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 90% doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài).

Để đạt được kỳ vọng về ngành này, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định nhà trường đang nỗ lực không ngừng, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.

Cơ hội việc làm của Kỹ sư Kỹ thuật thiết kế vi mạch rất rộng mở. Ảnh: NTCC

Cụ thể, về chương trình đào tạo luôn được cập nhật, bám sát thực tiễn; đảm bảo chất lượng kiểm định trong nước và quốc tế, thường xuyên tổ chức các hội thảo, khảo sát lấy ý kiến các nhà khoa học, các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội.

Về tổ chức và quản lý đào tạo: phòng thanh tra pháp chế và đảm bảo chất lượng là đơn vị thực hiện khâu giám sát quá trình đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và cũng là bảo vệ lợi ích người học. Một cơ chế giám sát tốt sẽ giúp giảng viên và sinh viên tự giác thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Cơ chế phục vụ người học từ đầu vào đến đầu ra là một lợi thế đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên không chỉ đơn thuần đảm bảo yếu tố về số lượng mà còn tập trung vào chất lượng để nâng cao chất lượng đào tạo.

“Các chính sách thu hút và giữ chân người tài luôn là ưu tiên hàng đầu tại nhà trường. Ngoài ra, các chính sách phúc lợi, khuyến khích nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và chất lượng giảng dạy ngày càng nâng cao.

Mỗi thầy cô giáo đều được quán triệt làm sao xem sinh viên như những người thân trong gia đình, khơi gợi sự sáng tạo, nghiên cứu, học tập cho sinh viên.

Về cơ sở vật chất hiện nay, nhà trường đã xây dựng cơ sở vật chất với trang thiết bị được đầu tư hiện đại; các phòng học được trang bị máy lạnh, các phòng thí nghiệm được đầu tư đồng bộ đem đến cho người học môi trường học tập tốt nhất. Các dịch vụ đồng bộ cung cấp cho sinh viên yên tâm học tập”, thầy Phó Hiệu trưởng cho biết.

Nhật Lệ
(theo Giáo dục Việt Nam)

đánh giá