Leonardo da Vinci là “một thiên tài rất con người”, theo nghiên cứu của Walter Isaacson, giáo sư lịch sử tại Đại học Tulane và CEO Viện Aspen. Họa sĩ kiêm nhà sáng tạo nổi tiếng lịch sử không có trí tuệ siêu việt như Newton hay Einstein, những bộ óc có sức mạnh xử lý vượt ngoài tưởng tượng. Sự thiên tài ở ông xuất phát từ trí tưởng tượng, tính tò mò đến kỳ quặc và mắt quan sát chủ động. Đó là sản phẩm của ý chí và nỗ lực, biến ông thành hình mẫu giàu cảm hứng hơn cho những người bình thường.
Hơn 7.000 trang ghi chép của Leonardo vẫn được lưu giữ cho đến này nay. Nhiều bằng chứng cho thấy ông không phải một trường hợp ngoại lệ hoàn hảo như mọi người lầm tưởng.
Ông cũng phạm sai lầm khi nghiên cứu số học. Ông yêu thích hình học nhưng không đủ nhanh nhạy với các phương trình để giải mã các quy luật tự nhiên. Ông vẫn để lại nhiều dự án nghệ thuật còn dang dở và nhiều trang ý tưởng không bao giờ được công bố.
Không ít thiết kế chỉ nằm trong trí tưởng tượng của Leonardo da Vinci, từ những cỗ máy bay không bao giờ cất cánh đến xe tăng chẳng thể lăn bánh. Tuy nhiên, khả năng xóa nhòa ranh giới giữa hiện thực với trí tưởng tượng cũng chính là chìa khóa cho khả năng sáng tạo thiên tài của Leonardo.
“Chúng ta có lẽ không bao giờ bì kịp tài năng của Leonardo, nhưng chúng ta có thể nuôi dưỡng trong bản thân mình và con cái những kỹ năng ông ấy từng sử dụng phát huy trí công dụng của trí tưởng tượng”, Isaacson lập luận.
Theo giáo sư lịch sử người Mỹ, phẩm chất nổi trội nhất ở danh họa thời kỳ Phục Hưng châu Âu chính là óc tò mò. Ông muốn tìm hiểu về mọi thứ với tất cả niềm đam mê, đôi khi gần như ám ảnh.
Trong những ghi chép cá nhân, nhà phát minh người Italy liệt kê hàng trăm chủ đề ông muốn tìm tòi, từ những điều vĩ mô đến bình thường. Ông tự đặt cho mình nhiệm vụ tìm kiếm lời giải thích về nhau thai của bê, hàm cá sấu, đến cơ mặt người hay hào quang của vầng trăng.
“Vì sao cá trong nước lại bơi nhanh hơn chim trên trời, trong khi đúng ra phải ngược lại vì nước nặng hơn và đặc hơn khí” hay “Hãy mô tả lưỡi của chim gõ kiến”. Những thắc mắc được Leonardo da Vinci ghi lại trong sổ tay hoàn toàn ngẫu nhiên, không nhằm phục vụ cho một công trình nghệ thuật nào mà ông được yêu cầu.
Thời kỳ Phục Hưng đã sản sinh ra nhiều bộ não uyên bác với tri thức trải rộng nhiều lĩnh vực. Chỉ có Leonardo da Vinci tạo nên bức họa Mona Lisa cùng những những bức vẽ giải phẫu học chuẩn xác đến khó tin, vừa phác thảo cách điều chỉnh dòng sông rồi sáng tạo nhạc cụ lại vừa lý giải cách ánh sáng phản chiếu từ Trái Đất lên Mặt Trăng, dùng hóa thạch để phản bác đại hồng thủy trong kinh thánh và vẽ lại chính huyền thoại đó cho nhà thờ.
Óc tò mò không biên giới của Leanardo được giúp sức không nhỏ bởi hai công cụ khác, khả năng quan sát chi tiết và luôn nuông chiều trí tưởng tượng.
Nhờ đôi mắt tinh tường, danh họa người Ý thường phát hiện những chi tiết trong cuộc sống hiếm người quan tâm. Trong ghi chép cá nhân, Leonardo đặt ra một phương pháp đơn giải để quan sát thấu đáo bất kỳ cảnh tượng nào: Nhìn tách biệt từng chi tiết. Ông ví von quan sát như việc đọc sách. Con người không thể “thấy” được gì nếu nhìn cả trang sách, mà phải săm soi từng chữ một.
“Nếu bạn muốn hiểu thấu sự vật, hãy bắt đầu với từng chi tiết của chúng và đừng nhảy sang bước thứ hai khi bước đầu tiên chưa khắc sâu vào tâm trí”, ông viết.
Leonardo hiểu rằng quan sát thấu đáo đòi hỏi không chỉ kỷ luật, chú tâm nhìn mà cả sự kiên nhẫn phân tích những quy luật mà mình thấy được.
Khi vẽ bức họa “Bữa tiệc ly” về lần cuối cùng Chúa Jesus ngồi ăn với các môn đồ, Leonardo có lúc nhìn chằm chằm vào sáng tác dang dở của mình hàng tiếng đồng hồ rồi, chỉ để vẽ thêm một nét nhỏ rồi gác cọ bước đi. Ông nói với công tước thành Milan, Francesco Sforza, rằng sự sáng tạo của mình cần thời gian và kiên nhẫn.
Khác với tâm lý trì hoãn thông thường, sự trì hoãn ở Leonardo thực chất là một phần lao động. Ông vẫn thu thập mọi thông tin, ý tưởng và tìm cách xử lý để chúng thành hình. Ông hiểu rằng quan sát chuyên nghiệp đòi hỏi ghi chép kỹ lưỡng.
Từ khi về phụng sự ở thành Milan vào thập kỷ 1480, ông đã bắt đầu thói quen ghi chép mọi ý tưởng và quan sát nhỏ nhất hàng ngày. Gần nửa thiên niên kỷ đã trôi qua, những trang giấy mà Leonardo da Vinci để lại vẫn không ngừng truyền cảm hứng cho giới nghiên cứu.
“Nếu chúng ta cũng bắt đầu thói quen đó ngay lúc này, trong 50 năm nữa, chính những quyển sổ ghi chép của chúng ta có lẽ sẽ gây bất ngờ và truyền cảm hứng cho con cháu, khi những dòng tweet và bài viết Facebook đã rơi vào quên lãng”, Isaacson viết.
Trí tò mò của ông như một đứa trẻ, không bị trói buộc bởi ranh giới giữa các lĩnh vực nghiên cứu. Tâm trí ông luôn lang thang giữa nghệ thuật và khoa học, giữa cơ khí và con người. Với Leonardo da Vinci, nghệ thuật là khoa học và khoa học cũng là nghệ thuật. Ông sẵn sàng xóa bỏ ranh giới giữa hai lĩnh vực này.
Thế giới ngày nay ngày càng khuyến khích chuyên môn hóa, dù là học sinh, học giả hay người lao động. Con người đang bị cuốn vào công nghệ và kỹ thuật, tin rằng việc làm chỉ đến tay những ai có khả năng lập trình hay chế tạo.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà nghiên cứu lịch sử Isaacson, những nhà sáng tạo hiện đại vẫn giống với Leonardo hơn hình mẫu khuôn phép hiện nay. Họ không phân định rạch ròi vẽ đẹp của nghệ thuật và khoa học. Bài học hay nhất từ danh họa, nhà phát minh, danh nhân Leonardo da Vinci, là không theo đuổi một công việc tốt hơn mà cần hướng đến mục tiêu sống một cuộc đời thú vị hơn nếu muốn nuôi dưỡng sáng tạo.
Trung Nhân (nguồn Wall Street Journal)
(theo VnExpress)
Tổ Chức Giáo Dục FPT – fpt.edu.vn
Hệ Thống Đào Tạo An Ninh Mạng Quốc Tế FPT Jetking – jetking.fpt.edu.vn
FPT Jetking là một trong số ít cơ sở hàng đầu đào tạo ngành an ninh mạng tại Việt Nam. FPT Jetking thuộc Viện Đào tạo quốc tế FPT, là đơn vị liên kết giữa tổ chức giáo dục FPT với Jetking Ấn Độ. FPT Jetking đào tạo chuyên sâu về quản trị hạ tầng an ninh mạng. Sinh viên tại đây có khả năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp trong những lĩnh vực đang là xu hướng mới, có nhu cầu nhân lực lớn trong ngành CNTT toàn cầu như an ninh mạng, quản trị mạng, quản trị hệ thống, điện toán đám mây…