Bắt con quỳ vì thi trượt trường công: Góc nhìn từ chuyên gia

Thi cử đỗ – trượt là bình thường, cần tỉnh táo, bình tĩnh lựa chọn nhiều phương án để tránh tự tạo áp lực cho con cái, học sinh

Nhiều học sinh chịu áp lực lớn do không thi đỗ THPT. Ảnh minh họa

Câu chuyện một bà mẹ bắt con quỳ giữa sân trường chỉ vì 7 năm học sinh giỏi mà giờ trường công cũng trượt, trường dân lập cũng không nhận đang thu hút nhiều quan tâm. Nhìn nhận ở góc độ khác, chuyên gia giáo dục cho rằng cần coi việc đỗ – trượt là bình thường, bên cạnh đó cũng cần phải xem lại cách thức tổ chức thi cử như hiện nay.

TS. Lê Trường Tùng – thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, cách phản ứng của người mẹ trong trường hợp này có thể hiểu là do quá lo lắng, do thiếu kiềm chế, hoặc do đặt kỳ vọng vào con quá lớn nên khi kết quả không như mong muốn thì đã có những phản ứng nóng nảy nhất thời.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, trong hoàn cảnh nào thì người chịu áp lực lớn nhất trong việc thi cử vẫn là học sinh. Bản thân các em học sinh đã phải lo lắng, chịu áp lực rất lớn ngay cả khi chưa có kết quả kỳ thi. Do đó, những người làm cha, làm mẹ cần bình tĩnh, học cách chấp nhận thực tế để cùng chia sẻ, động viên, giúp đỡ con cái vượt qua thời điểm khó khăn đó.

Ông Tùng cho biết, một học sinh có kết quả thi không tốt, không đỗ được vào trường công, không đủ điểm vào trường tư cũng là điều bình thường. Ở đây có nhiều nguyên nhân, có thể do căng thẳng quá, hoặc cũng có thể do lúc tư vấn, lựa chọn trường chưa phù hợp, hoặc cũng có khi do đặt nguyện vọng quá cao mà lại có rất nhiều học sinh giỏi cùng thi vào trường đó thì học sinh khá không đỗ được cũng là bình thường.

Mặt khác, cũng cần nhìn nhận đơn giản hơn, học trung học phổ thông vẫn đang là chương trình phổ cập. Sự phân loại ở mức cao hơn, khó khăn hơn phải ở bậc đại học, do đó, dù không đỗ được vào trường đúng nguyện vọng học sinh vẫn có thể theo học ở những trường công có điểm thấp hơn hoặc trường tư thục khác.

“Cần xem chuyện con đỗ – trượt là bình thường để tránh có những phản ứng tiêu cực, thậm chí là vi phạm các quy định về quyền trẻ em.

Thay vì có những phản ứng tiêu cực, cha mẹ cần chủ động hơn trong việc tư vấn cho con và có nhiều phương án dự phòng, nhiều lựa chọn khác nhau để tránh lúng túng khi không đỗ được nguyện vọng như mong muốn.

Phân tích kỹ hơn, ông Tùng nói thêm, trong thi cử luôn có việc đỗ – trượt. Ví dụ, có khoảng 100.000 học sinh thi THPT sẽ có khoảng hơn 30.000 học sinh trượt và khoảng hơn 60.000 học sinh đỗ. Như vậy, nếu không phải là con mình trượt sẽ là học sinh khác, con người khác trượt, vì thế, dù không muốn thì cũng cần coi việc đỗ – trượt là bình thường.

Khi xác định như vậy rồi thì sẽ chủ động hơn trong việc xác định các nguyện vọng, các lựa chọn khác, tránh để rơi vào bị động.

“Có rất nhiều trường, nhiều lựa chọn, hãy để con đi thi với tâm thế không đỗ nguyện vọng này đã có nguyện vọng khác và nhiều nguyện vọng khác nữa, cánh cửa trường công và cả trường tư còn rất nhiều, không nên coi chỉ có một trường công, một lựa chọn là duy nhất và khi không đạt được như kỳ vọng thì “cả bầu trời đã sụp đổ”.

Nên nhìn mọi việc đơn giản hơn, hãy coi việc trượt THPT của con hôm nay có thể sẽ mở ra các cơ hội khác, lựa chọn khác tốt hơn cho con ở ngày mai. Lúc này là lúc các con cần tới gia đình nhất, khi có gia đình đứng đằng sau, gia đình sẽ là chỗ dựa khiến các em vững tin, tự tin và cố gắng nhiều hơn”, ông Tùng đưa ra lời khuyên.

Nhiều bất cập

Chia sẻ thêm, ông Trường cũng không đồng tình với việc thi vào trường THPT lại đặt ra các nguyện vọng cho học sinh như hiện nay. Ông cho biết, việc lựa chọn nguyện vọng chỉ phù hợp với đại học, bởi còn liên quan tới khối, ngành học sinh lựa chọn. Tuy nhiên, học THPT đều học một chương trình chung, còn các chương trình ngoại khóa học sinh có thể học ở đâu cũng được.

Nhưng do cách chia nguyện vọng như hiện nay đã tạo ra một cuộc chạy đua chọn trường. Ai cũng muốn con mình vào trường tốt để được học giáo viên tốt. Như vậy, học sinh giỏi vào hết trường tốt và được học giáo viên giỏi, học sinh kém vào trường kém, học giáo viên kém. Cuối cùng dẫn tới tình trạng thầy tốt dạy trò tốt, thầy không tốt dạy học trò kém. Cái khó người đẩy cho người kém, người giỏi chọn cái dễ. Trường học lại trở thành nơi khoe kiến thức của những người thầy giỏi và học trò giỏi, còn học sinh kém, thầy kém hoặc kém mãi hoặc cứ chạy theo sau.

“Từ những méo mó này đã dẫn tới những méo mó khác. Chính điều này đã biến môi trường giáo dục trở thành một sân chơi bất bình đẳng, chạy đua theo thành tích. Việc này vô tình lại dẫn đến một bất cập khác là học sinh kém lẽ ra nên được học trường công vì có học phí thấp thì nay lại dễ bị đẩy ra khỏi trường công, học trường tư và phải chịu học phí cao.

Đây là bất cập lớn, vì đa phần những học sinh kém là những học sinh có điều kiện khó khăn, ít được đầu tư, trong khi những học sinh giỏi hơn, được đầu tư nhiều hơn, có điều kiện khá giả hơn lại được học trường công tốt, học phí thấp.

Từ những bất cập trên dẫn tới những bất khác nữa. Thực tế, đã có nhiều trường hợp đã lựa chọn bỏ học vì không theo được học phí cao. Cuối cùng, không có việc làm, thất nghiệp lại trở thành gánh nặng cho nhà nước. Việc này cần phải xem xét lại”, TS Lê Trường Tùng trăn trở.

Lam Lam
(theo Đất Việt)

Tổ Chức Giáo Dục FPT – fpt.edu.vn

Hệ Thống Đào Tạo An Ninh Mạng Quốc Tế FPT Jetking – jetking.fpt.edu.vn

FPT Jetking là một trong số ít cơ sở hàng đầu đào tạo ngành an ninh mạng tại Việt Nam. FPT Jetking thuộc Viện Đào tạo quốc tế FPT, là đơn vị liên kết giữa tổ chức giáo dục FPT với Jetking Ấn Độ. FPT Jetking đào tạo chuyên sâu về quản trị hạ tầng an ninh mạng. Sinh viên tại đây có khả năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp trong những lĩnh vực đang là xu hướng mới, có nhu cầu nhân lực lớn trong ngành CNTT toàn cầu như an ninh mạng, quản trị mạng, quản trị hệ thống, điện toán đám mây…

đánh giá