Backdoor dùng Gmail để nhận lệnh và lọc dữ liệu người dùng

Phiên bản tiên tiến của backdoor (cửa hậu) ComRAT mới bị phát hiện có khả năng sử dụng giao diện web của Gmail để nhận lệnh từ tin tặc và lọc dữ liệu nhạy cảm.
backdoor
Nạn nhân chủ yếu là đại sứ quán và tổ chức liên quan tới chính phủ, quân sự. Ảnh: AFP
Phiên bản ComRAT v4 (tác giả của phần mềm độc hại này gọi tên khác là “Chinch”) sử dụng toàn bộ cơ sở mã mới và phức tạp hơn rất nhiều so với các đời trước. Theo các nhà nghiên cứu bảo mật tại ESET, mục đích sử dụng chính của ComRAT là phát hiện, ăn cắp, lọc tài liệu cá nhân, có trường hợp còn triển khai phần thực thi .NET để tương tác với cơ sở dữ liệu MS SQL Server trên máy nạn nhân có chứa tài liệu của các tổ chức.
Chế độ “Mail” của ComRAT v4 hoạt động sẽ đọc địa chỉ email và các tập tin tạm (cookie) đã được xác thực lưu trữ tại VFS (Virtual File System), kết nối với giao diện HTML cơ bản của Gmail, phân tích cú pháp hòm thư tới ở trang HTML rồi lấy danh sách email có chủ đề khớp với tập tin “subject.str” trên VFS.
Với mỗi email đáp ứng tiêu chí trên, ComRAT sẽ tải tập tin đính kèm khả dụng và xóa luôn thư điện tử đó để tránh xử lý lại lần hai. Dù chứa định dạng như tập tin Word (.docx) hay Excel (.xlsx) trong tên, các tập đính kèm thực tế không phải tập tin tài liệu mà là tập dữ liệu nhị phân được mã hóa có chứa các lệnh thực thi chuyên biệt như đọc/ghi file, thực thi tiến trình bổ sung, thu thập lịch sử hoạt động…
Kết quả từ các lệnh thực thi sau đó được mã hóa và lưu trữ dạng tập đính kèm rồi gửi trong email vào địa chỉ đích có sẵn trong file VFS.
Dựa trên các mẫu phân phối Gmail trong một tháng, ESET cho biết những kẻ đứng sau chiến dịch này hoạt động ở múi giờ UTC+3 hoặc UTC+4.
“ComRAT v4 lần đầu được phát hiện năm 2017 và tính tới tháng 1.2020 vẫn hoạt động”, chuyên gia bảo mật tại công ty ESET chia sẻ trên THN. Hãng này phát hiện có ít nhất 3 mục tiêu mà phần mềm độc hại nhắm tới gồm Bộ Ngoại giao của hai quốc gia thuộc Tây Âu và một quốc hội thuộc vùng Kavkaz.
Backdoor ComRAT được nhóm Turla APT sử dụng từ lâu. Nhóm này còn được biết đến với tên gọi Snake, hoạt động từ hơn một thập kỷ qua với “bề dày thành tích” chiến dịch tấn công nhắm vào đại sứ quán, tổ chức quân sự từ khoảng năm 2004 hoặc trước đó.
Hoạt động gián điệp của Turla bắt đầu với Agent.BTZ năm 2007, sau này phát triển thành ComRAT – công cụ điều khiển từ xa nhằm bổ sung khả năng ăn cắp thông tin từ mạng cục bộ. Chính các phiên bản đầu tiên của Agent.BTZ đã lây nhiễm vào mạng quân sự của Mỹ tại Trung Đông năm 2008. Vài năm trở lại đây, Turla được xác định đứng sau các vụ tấn công vào mạng Lực lượng vũ trang Pháp (FAF) năm 2018 và Bộ Ngoại giao Áo hồi đầu năm nay.

FPT Jetking là một trong số ít cơ sở hàng đầu đào tạo ngành an ninh mạng tại Việt Nam. FPT Jetking thuộc Viện Đào tạo quốc tế FPT, là đơn vị liên kết giữa tổ chức giáo dục FPT với Jetking Ấn Độ. FPT Jetking đào tạo chuyên sâu về quản trị hạ tầng an ninh mạng. Sinh viên tại đây có khả năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp trong những lĩnh vực đang là xu hướng mới, có nhu cầu nhân lực lớn trong ngành CNTT toàn cầu như an ninh mạng, quản trị mạng, quản trị hệ thống, điện toán đám mây…

Anh Quân
(nguồn Thanh Niên Online)

đánh giá