Thi xong bài tổ hợp sáng 8/7, Ngọc Huyền được đi test nhanh với Covid-19. Thấy nhân viên y tế mặt biến sắc với que thử của mình, Huyền biết có vấn đề.
Hà Thị Ngọc Huyền, học sinh lớp 12A8 trường THPT Long Trường (TP Thủ Đức, TP HCM) đã phải bỏ môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Chiều 6/7, khi tới điểm trường THCS Trần Quốc Toản, TP Thủ Đức, làm thủ tục dự thi, Huyền đã được kiểm tra sức khỏe. Tối đó, em sốt 38 độ C và mất ngủ. Nữ sinh gọi điện hỏi ý kiến cô giáo và được khuyên nên xin thi phòng riêng.
Hôm 7/7, Huyền được anh trai chở đến điểm thi từ sớm. Sau khi thông báo tình trạng sức khỏe với giám thị, em được dẫn đến phòng thi dự phòng. Ngày thi đầu tiên, mặc dù mệt mỏi, nữ sinh cố gắng tập trung làm bài và hài lòng với phần thi Ngữ văn, Toán. Kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội lúc 11h trưa hôm sau, Huyền và một số bạn cùng phòng được đưa xuống phòng y tế để test nhanh.
Lúc đó, Huyền vẫn chưa nghĩ mình mắc Covid-19. Tới lượt mình, thấy nhân viên y tế mặt biến sắc khi nhìn kết quả trên que thử, Huyền đoán có vấn đề. Em được chuyển ngay sang ghế khác, tách xa các bạn vừa xét nghiệm. Phía ngoài, giáo viên cuống cuồng chạy đi chăng dây khu vực thi.
“Nghe loáng thoáng bên ngoài giáo viên nói với nhau con bé dính rồi, em gục xuống òa khóc, tay run lẩy bẩy, đánh rơi cả giấy báo dự thi”, Huyền kể.
Đứng đợi ngoài cổng trường, anh trai Huyền sốt ruột, nhưng không có cách nào liên lạc. Trông thấy em từ xa, người anh đưa tay lên ra dấu cộng hỏi kết quả. Thấy Huyền gật đầu, anh trai buông thõng người.
Khoảng 30 phút sau, xe cấp cứu tới, Huyền mặc đồ bảo hộ và lên xe tới một ngôi trường được trưng dụng làm nơi cách ly ở phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức. Em mượn điện thoại, gọi về cho bố mẹ và nhờ mang đồ dùng tới.
Khu vực gia đình Huyền sống ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức, đã bị phong tỏa, bố mẹ và anh trai em phải cách ly tại nhà nên chỉ có thể nhờ người thân trợ giúp. Các cuộc gọi sau đó dồn dập đổ về số máy Huyền mượn để hỏi han tình hình. Nữ sinh sợ hãi không biết mình đang ở đâu, trên người chỉ có tờ giấy báo dự thi và đề thi Giáo dục công dân.
Suốt 8 tiếng chờ đợi, Huyền lấy đề thi ra đọc và làm lại cho đỡ buồn. Trong đầu em khi ấy hiện lên bao câu hỏi, mình lây bệnh từ đâu khi cả bố mẹ và anh trai đều âm tính, bản thân em chỉ ở nhà ôn thi tốt nghiệp. “Em lo cho những người đã tiếp xúc với mình, nhất là bố mẹ. Nghĩ đến nguyện vọng 1 vào Đại học Tôn Đức Thắng, em chỉ biết thở dài, coi như bỏ”, Huyền chia sẻ.
20h hôm đó, Huyền cùng khoảng 20 người khác được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 3, phường An Khánh, TP Thủ Đức. Tới nơi thấy rất đông bệnh nhân, em thoáng chút hoang mang nhưng cố gắng trấn tĩnh. Huyền được xếp ở tầng 12, trong căn hộ ba phòng với 5 người khác. Mệt mỏi, nữ sinh ngủ thiếp đi.
Huyền ho nhiều, kèm khó thở, tức ngực và mất khứu giác. Mỗi tầng trong viện được tạo một group và đại diện từng phòng sẽ báo tình hình sức khỏe của các thành viên cho bác sĩ qua đây. Ba ngày một lần, Huyền và mọi người được bác sĩ phát thuốc. Hàng ngày, cả phòng được phục vụ bữa ăn đầy đủ.
Để giữ tinh thần tích cực, Huyền tập thể dục, chia sẻ về những dự định và ước mơ với mọi người. Không được thi môn tiếng Anh, em lên mạng tìm đề tự giải và tiếc khi thấy đề trong khả năng của mình. Nhận những lời động viên của người thân, cô giáo chủ nhiệm và các bạn hàng ngày, Huyền yên tâm tuân theo sự hướng dẫn của y bác sĩ.
15 ngày sau khi vào viện, Huyền không còn dấu hiệu của bệnh, nhưng vẫn dương tính sau 3-4 lần xét nghiệm tiếp theo. Các thành viên trong phòng lần lượt nhận kết quả âm tính và được về nhà, còn em phải ở lại.
Lần test thứ 6, nhận kết quả âm tính lúc nửa đêm qua Zalo, Huyền không dám tin, phải nhờ người bên cạnh đọc giúp. Đêm đó, nữ sinh và người bạn cùng phòng (cũng nhận kết quả âm tính) ngồi ăn hết trái cây để đỡ phải xách về.
Ngày 1/8, sau 23 ngày điều trị Covid-19, Huyền trở về nhà tiếp tục cách ly 14 ngày. Được ăn cơm mẹ nấu, ở trong căn phòng quen thuộc, Huyền thêm trân trọng cuộc sống, thấy bản thân trưởng thành hơn. Nữ sinh biết ơn khi trong hoạn nạn nhận được sự chia sẻ của những người xung quanh.
Trở thành F0 là điều không mong muốn nhưng khi đã ở trong hoàn cảnh đó, Huyền cho rằng điều quan trọng nhất là phải lạc quan, luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp. Em yên tâm khi đã chủ động xin thi phòng riêng để thu hẹp phạm vi ảnh hưởng tới mọi người.
Huyền được đặc cách tốt nghiệp, trúng tuyển bốn trường đại học bằng hình thức xét học bạ. Em đang trau dồi tiếng Anh, các kỹ năng để chuẩn bị nhập học khoa Luật Kinh tế của Đại học Công nghiệp TP HCM.
Cô Trần Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8, nhớ như in khoảnh khắc được đồng nghiệp thông báo lớp cô chủ nhiệm có học sinh dương tính. “Chiều tối 8/7, sau khi đi coi thi về tôi mới biết tin. Tôi đã rất sốc, cảm giác như muốn khóc. Tới ngày cuối cùng tưởng các em đã an toàn, ai ngờ…”, cô Huyền nhớ lại.
Cô giáo sau đó gọi điện cho gia đình và khắp nơi để tìm hiểu thông tin học trò đang ở đâu. Nửa đêm hôm đó, nhận tin nhắn của Huyền, cô mới thở phào.
Nói về học trò, cô Huyền nhớ đến nữ sinh là lớp trưởng từ năm lớp 1 đến 12, năng động và hát hay, luôn có mặt trong câu lạc bộ âm nhạc của trường. Năm lớp 12, Huyền có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Văn của thành phố. Nhờ tham gia các hoạt động, quen tiếp xúc với môi trường đông người nên nữ sinh mạnh mẽ và luôn giữ tinh thần lạc quan.
Bình Minh
(theo VnExpress)
Tổ Chức Giáo Dục FPT – fpt.edu.vn
Hệ Thống Đào Tạo An Ninh Mạng Quốc Tế FPT Jetking – jetking.fpt.edu.vn
FPT Jetking là một trong số ít cơ sở hàng đầu đào tạo ngành an ninh mạng tại Việt Nam. FPT Jetking thuộc Viện Đào tạo quốc tế FPT, là đơn vị liên kết giữa tổ chức giáo dục FPT với Jetking Ấn Độ. FPT Jetking đào tạo chuyên sâu về quản trị hạ tầng an ninh mạng. Sinh viên tại đây có khả năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp trong những lĩnh vực đang là xu hướng mới, có nhu cầu nhân lực lớn trong ngành CNTT toàn cầu như an ninh mạng, quản trị mạng, quản trị hệ thống, điện toán đám mây…