Triển lãm “Nghệ thuật Bảo mật” ở Trung Quốc bị đóng cửa vì để lộ thông tin cá nhân của 346.000 người

Thông tin cá nhân của 346.000 người đã bị đem ra trưng bày trong một buổi triển lãm nghệ thuật mở cửa hôm thứ tư vừa qua tại Vũ Hán, Hồ Bắc.

Tên, giới tính, tuổi tác, số điện thoại, địa chỉ nhà, biển số xe, lịch trình du lịch, đơn hàng online… của 346.000 người đã bị rò rỉ vì một buổi triển lãm nghệ thuật.

Buổi triển lãm có tên “Bí mật của 346.000 Công dân Vũ Hán”, do một nghệ sĩ trẻ họ Đặng tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về bảo mật dữ liệu.

Tuy nhiên, triển lãm đã bị đóng cửa vào thứ 7 vì cảnh sát địa phương nghi ngờ Đặng vi phạm luật bảo mật, máy tính cũng như tài liệu của nghệ sĩ này cũng bị tịch thu.

Theo The Paper, họ Đặng khai nhận đã mua lại số dữ liệu cá nhân đó thông qua ứng dụng nhắn tin QQ với giá chỉ 0,06 tệ/người. Đặng đã dành ra khoảng nửa năm để thu thập dữ liệu cá nhân, việc này tiêu tốn hơn 5000 tệ (hơn 18 triệu đồng).

Triển lãm Nghệ thuật Bảo mật ở Trung Quốc bị đóng cửa vì để lộ thông tin cá nhân của 346.000 người - Ảnh 1.

Các tình nguyện viên đang lọc thông tin cá nhân cho triển lãm “Nghệ thuật Bảo mật”, ảnh lấy từ Weibo cá nhân của họ Đặng

“Không nghi ngờ gì nữa, tôi đã vi phạm pháp luật”, Đặng nói với The Paper trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Tuy nhiên, anh ta cảm thấy hành động của mình bị hình sự hóa là thiếu căn cứ.

Đặng giải thích rằng, dự án của anh ta mời công chúng thảo luận về các giới hạn về quyền riêng tư trong kỷ nguyên Big Data. “Nghệ thuật Bảo mật” chỉ trưng bày các dữ liệu đã được chọn lọc, in ra giấy với độ hiển thị nhất định. Tình nguyện viên của Đặng đã giúp sàng lọc thông tin cá nhân, xóa đi những gì nhạy cảm và gửi lời mời đến những ai bị rò rỉ thông tin.

Triển lãm Nghệ thuật Bảo mật ở Trung Quốc bị đóng cửa vì để lộ thông tin cá nhân của 346.000 người - Ảnh 2.

Một phần của triển lãm “Nghệ thuật Bảo mật“, nơi để lộ thông tin cá nhân của 346.000 người

Đặng nói thêm, ngày nay có quá nhiều người phớt lờ vấn đề này và cho rằng, những gì anh ta thực hiện khiến người ta tự hỏi dữ liệu cá nhân ở đâu ra, vì sao lại không quan tâm đến nó?

Từ lâu, các vấn đề liên quan đến an toàn dữ liệu đã được cảnh báo trước, điển hình là bê bối về bảo mật của Facebook trong năm nay. Tại Trung Quốc, một số vụ việc tương tự cũng bị phanh phui.

Vào tháng 12 năm ngoái, nhà phát triển phần mềm diệt virus Qihoo 360 đã gặp phải khủng hoảng truyền thông khi một blogger phát hiện ra rằng, hệ thống camera giám sát của công ty này đã live-stream hình ảnh từ các nhà hàng, quán cà phê và phòng gym lên nền tảng trực tuyến của họ. Tuần trước, một số ứng dụng còn bị điều tra vì… buôn bán mật khẩu truy cập wifi.

Robin Li, CEO của Baidu lại cho rằng người dân Trung Quốc “ít nhạy cảm” hơn khi nói đến quyền riêng tư. Tuy nhiên, bình luận của ông đã khiến nhiều người thất vọng.

Quay lại câu chuyện của nghệ sĩ họ Đặng, vi phạm quyền riêng tư ở Trung Quốc có thể bị kết án tù đến 7 năm. Dù nhận được sự ủng hộ của không ít cư dân mạng, việc làm của họ Đặng đã đi ngược lại pháp luật.

Theo Genk